Sự cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân trong vùng “dự án treo” của UBND TPHCM đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ người dân sống trong các vùng vừa được xóa dự án “treo” vẫn còn nhiều bức xúc… Làm gì để giải quyết thỏa đáng yêu cầu của người dân?
PV Báo SGGP đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.
Hướng dẫn cho người dân
* PV: Về nguyên tắc, người dân trong các khu vực dự án chậm triển khai bị thu hồi được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật đối với đất đai, nhà cửa của mình như mua bán, sửa chữa, xây mới… Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng “dư âm” của dự án “treo” vẫn ám ảnh làm cho họ rất khó mua bán… Đó là chưa kể, nhiều dự án bị thu hồi nhưng quy hoạch chưa được điều chỉnh nên người dân muốn bán nhà, đất không được. Giải pháp nào để xử lý vấn đề này, thưa ông?
* PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Muốn giải quyết vấn đề này, TPHCM phải xây dựng lộ trình triển khai quy hoạch một cách chính xác. Trong bối cảnh hiện nay, làm được việc này không dễ. Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo một số hướng dẫn về “Chương trình phát triển đô thị”, dự kiến trong đó sẽ quy định cụ thể các vấn đề như lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định rõ những công trình, dự án nào sẽ được triển khai cụ thể ở đâu, trong thời gian nào? Chính phủ cũng đã có Nghị định 11/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Tôi cho đây là một trong những cơ sở quan trọng để TPHCM xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách cụ thể, rõ ràng. Tất nhiên, còn một yếu tố khác không thể không quan tâm, đó là khả năng tài chính… Chuẩn bị được các nguồn đầu tư một cách chuẩn xác thì kế hoạch thực hiện quy hoạch mới khả thi.
* Hiện nay trên địa bàn TPHCM có khá nhiều “công cụ” pháp lý để quản lý đô thị, cấp phép xây dựng cho người dân. Nhưng nhiều người dân cho rằng, việc có nhiều “công cụ” quản lý như vậy làm họ bị… rối, không biết căn cứ vào đâu để xin giấy phép xây dựng? Ông nghĩ sao về tình trạng này?
* Trong tình huống này, đúng ra các cơ quan có thẩm quyền của thành phố phải có hướng dẫn thực hiện cụ thể cho các địa phương và người dân để tránh những bức xúc không đáng có. Quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị được xây dựng dựa trên quy chuẩn xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành. Vì vậy, quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị là những công cụ chính để quản lý đô thị. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn hiểu chỉ có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 là công cụ để quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Hiện nay phải hiểu tất cả quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị… rất cần thiết cho việc quản lý đô thị và việc có thêm quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị bên cạnh các quy hoạch giúp quản lý chi tiết cụ thể hơn, tinh hơn công tác phát triển đô thị.
Quyết định 145 về xây dựng nhà liên kế trong các khu dân cư hiện hữu là quy định quản lý đô thị được áp dụng cho những khu vực chưa có quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị. Yêu cầu này đã ghi rõ ngay trong các chương đầu của Quyết định 145. Hơn nữa, “tinh thần cơ bản” của Quyết định 145 cũng đã được cập nhật vào các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị ngay trong quá trình nghiên cứu xây dựng. Do đó, tôi cho rằng về cơ bản cũng không có mâu thuẫn lớn trong việc cấp giấy phép xây dựng trong các khu vực đã có quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch và cấp phép theo Quyết định 145.
Cơ hội để rà soát việc sử dụng đất
* Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc thu hồi các dự án chậm triển khai bước đầu mới giải quyết cơ bản quyền lợi của người dân trong khu vực dự án. Qua việc này, đất đai được tính toán, sử dụng lại ra sao cho hiệu quả vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều khu đất bị thu hồi vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận…
* Có 2 khía cạnh mà tôi muốn đề cập ở đây. Một là về phía các doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chậm triển khai bị thu hồi, việc xử lý ra sao đối với các diện tích đất mà họ đã “lỡ” mua, họ phải chủ động tính toán sao cho có lợi nhất. Nhà nước chỉ nên can thiệp trong tình huống doanh nghiệp sử dụng đất không đúng quy hoạch. Mặc khác, ở góc độ quản lý nhà nước, đây cũng là cơ hội cho các sở, ngành chức năng rà soát, đánh giá lại việc sử dụng các nguồn lực đất đai của thành phố.
Ví dụ, TPHCM đang nói nhiều đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, vậy có nên để nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất các mặt hàng không có các yếu tố trên? Nên chăng, cần tính toán chuyển đổi việc sử dụng đất cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sang mục đích khác như thương mại, dịch vụ…
* Câu hỏi cuối thưa ông, qua việc phải thu hồi nhiều dự án chậm triển khai, TPHCM có thể rút ra bài học gì?
* Đó là nên cân nhắc kỹ hơn trong việc giao đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển đô thị. Các quy định về nhà đầu tư đã khá rõ, vấn đề còn lại là thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, năng lực của nhà đầu tư mới là một phần của vấn đề… Một vấn đề quan trọng khác cần được đặc biệt quan tâm hơn là quyền lợi và tâm tư của người dân. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, quy hoạch phải công khai cho người dân biết và việc thực hiện các dự án cần phải hỏi ý kiến người dân. Thế nhưng, ở nhiều nơi, việc này làm chưa nghiêm, dự án không nhận được sự đồng thuận của người dân nên quá trình thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng bị kéo dài. Chậm giải phóng mặt bằng đã và đang là một trong những nguyên nhân chính làm chậm dự án.
Do vậy, trước khi giao đất, thực hiện các dự án, cán bộ có thẩm quyền nên đến gặp dân, lắng nghe ý kiến của dân. Giải quyết thấu đáo quyền lợi của người dân thì tiến độ giải phóng mặt bằng mới nhanh, dự án mới có điều kiện thực hiện đúng tiến độ.
* Cảm ơn ông!
NGUYỄN KHOA (thực hiện)
|