Những ngày qua, bạn đọc cả nước và giới làm sách xôn xao về cái gọi là “cuộc chiến giá sách” giữa hai nhà cung cấp sách trực tuyến lớn nhất cả nước là Tiki và Vinabook.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc Vinabook giới thiệu chương trình “Cam kết giá sách rẻ nhất”. Theo đó, nếu ai mua sách ở Vinabook mà thấy có nơi bán rẻ hơn thì họ sẽ bù lại tiền chênh lệch kèm một khoản bồi thường cho khách. Theo Vinabook, chương trình này nhằm giúp đơn vị tạo ấn tượng với bạn đọc sau một thời gian trầm lắng.
Thế nhưng, một nhà cung cấp sách trực tuyến lớn khác là Tiki lại không nghĩ thế. Đại diện Tiki cho rằng trong kinh doanh, nếu cứ chấp nhận thua kém đối thủ cạnh tranh thì đơn vị không thể tồn tại được.
Kết quả, khi cuốn sách ăn khách nhất hiện nay là “Chúc một ngày tốt lành” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt, Vinabook tung ra mức giảm 20%, Tiki lập tức giảm 25%, Vinabook giảm 30%, Tiki giảm 35%… Kết quả, cuốn sách hấp dẫn nhất trên thị trường hiện nay biến thành công cụ ganh đua giữa hai đơn vị và đạt kỷ lục giảm giá cho một tác phẩm mới ra mắt với mức giảm lên đến 42%.
Và “Chúc một ngày tốt lành” không phải là cuốn sách đầu tiên bị lôi vào cuộc đấu này, cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với nhan đề “Đảo” cũng đang bị thi đấu giảm giá như trên.
Đối với bạn đọc, việc giảm giá này là một cơ hội tốt khi có thể mua sách gốc với giá rẻ. Thế nhưng, với thị trường sách đây lại là một tín hiệu xấu.
Cả hai đơn vị Tiki và Vinabook đều thừa nhận họ đang lỗ trong cuộc đấu này nhưng lại không thể dừng. Còn với các đơn vị kinh doanh khác, cuộc đấu này gây ra nhiều vấn đề tiêu cực. Một nhà phát hành cho biết, bạn đọc thấy sách rẻ sẽ không mua sách chỗ khác, nhà phát hành phải bỏ cuốn sách đó ra khỏi kênh phân phối của mình do không ai mua mà cũng không thể giảm giá như thế. Thế nhưng, đây chỉ là cuộc đối đầu nhất thời, không thể kéo dài lâu và đến khi kết thúc, bạn đọc sẽ không thể tìm mua những cuốn sách này nữa.
Chính vì thế, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cảnh báo: “Chúng tôi không muốn tham dự vào hoạt động kinh doanh của các bên nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, các nhà phát hành khác sẽ không thể chấp nhận hành vi phá giá thị trường và nếu họ yêu cầu chúng tôi can thiệp, chúng tôi buộc phải ngừng cung cấp sách, ngừng ký hợp đồng mới với các đơn vị phá giá sách”.
Giảm giá sách không phải là chuyện mới lạ trong thị trường sách Việt Nam nhưng giảm kiểu Tiki và Vinabook như vừa qua lại là lần đầu tiên. Và Luật Xuất bản lại sắp phải bổ sung những điều luật mới ngăn ngừa những vụ việc như vừa qua để mang lại sự lành mạnh cho thị trường sách.
TƯỜNG VY