“Toe... toe... toe..., hụ... hu... u...”, con phà nặng nề rẽ từng cuộn nước lướt đi trong tiếng gầm gừ. Âm thanh ấy, hình ảnh ấy quen thuộc thấm sâu vào mỗi người dân Bến Tre hay bất kỳ ai xuôi ngược về quê hương xứ dừa. Nhưng... ngày cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông thông xe sẽ là ngày những con phà “nói lời từ biệt”, mang theo bao niềm thương nỗi nhớ, những kỷ niệm vui buồn - nhất là với những người gắn bó với bến phà bấy nhiêu năm...
Tự hào phà Bến Tre
Người bạn quê Long An kề tai: “Đi phà Bến Tre hoài, cố tìm điểm để... chê, nhưng khó thiệt”. Tôi cười khì vì được... nịnh. Nhưng ngẫm lại, so với nhiều bến phà ở đồng bằng này, phà Bến Tre đáng tự hào lắm chứ.
Mươi mười năm trước, phà Rạch Miễu, Hàm Luông người buôn kẻ bán nhiều hơn khách. Rác rưởi, giật dọc và cả những cuộc cãi vã. Những con phà thì “í a” phát sốt ruột. Thời gian vượt đoạn sông ở phà Rạch Miễu hơn 30 phút, Hàm Luông là 12 phút. Tình hình ở hai đầu bến phà ngày và đêm đều phức tạp.
Với quyết tâm cao, Xí nghiệp phà và các bến trực thuộc mạnh dạn chấn chỉnh. Từng tổ nhóm - kiểm soát vé, vượt sông, bảo vệ, cơ khí... - được thành lập và kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ.
Máy móc, thiết bị dần cải tiến. Hệ thống bơm dẫn nhiên liệu được thiết kế thay cho việc phải lăn từng phuy dầu, vừa thiếu an toàn, vừa dễ hao hụt nhiên liệu. Phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đơn vị, cùng với những chiếc phà mới Việt - Đan đã giảm thời gian vượt sông của phà Rạch Miễu, Hàm Luông xuống gần một nửa.
Nhà chờ phà thông thoáng, từng hàng ghế thẳng tắp, sạch sẽ, sẵn sàng đón khách. Nhà chờ, trên phà đều có nhà vệ sinh, nước uống hợp vệ sinh. Gần mười năm nay, các bến phà sử dụng máy bộ đàm đã giúp đơn giản hóa công việc của người thủy thủ, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, xử lý tình huống nhịp nhàng hơn đồng thời giúp người quản lý theo dõi được từng công việc.
Những chiếc phà êm đềm không vết trầy xước do va chạm, không một dòng quảng cáo, tiếp thị trên thành phà - dẫu rằng doanh thu từ quảng cáo không hề nhỏ. Tất cả vì mỹ quan, vì phà là cửa ngõ vào Bến Tre.
Lưu luyến chuyến phà xưa...
Chị Nga - nhân viên phà Rạch Miễu - trầm ngâm: “Buồn! Chỉ 9 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thì mình vào đây làm việc cho tới nay. Gia đình mình gắn bó với bến. Xa, chắc nhớ lắm”. Còn anh Tân, hỏi thời gian phục vụ, anh nói ngay: “29 năm 6 tháng!”. “Anh sẽ về quê lập cơ ngơi riêng khi cầu Rạch Miễu thông xe? “Không, tôi sẽ theo đến bến phà khác. Ba tôi từng gắn bó một đời với phà để nuôi anh em tôi nên người. Khi tôi không còn đủ sức khỏe, khi Bến Tre không còn phà thì tôi mới về lại Tiền Giang quê tôi”.
Phà là tình cảm, là chốn mưu sinh nhưng hỏi rằng có tiếc khi mai này sẽ không còn phà thì không phải chị Nga, anh Tân mà tất cả những người tôi gặp ở đây đều cùng có câu trả lời: Phải có cầu thì tỉnh mình mới phát triển. Phà dù có cố hết sức cũng không thể nào đáp ứng được yêu cầu đi lại của bà con.
Anh Thanh Hải cũng băn khoăn không biết mai này anh có còn được tiếp tục công việc của một máy trưởng ở bến phà khác nhưng: “Cứ mỗi cuối tuần, lễ lộc gì đó là kẹt phà. Người, xe nối dài hàng mấy cây số, có khi phải chờ mấy tiếng đồng hồ. Những xe chở tôm, trăm triệu chứ đâu ít, chờ hoài làm sao mần ăn khá được. Xa phà rất buồn nhưng có cầu Rạch Miễu thì chắc phải vui rồi”.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tấn Khổng có lần nói: “Dù bất kỳ lý do nào cũng không để anh em lao động ở các bến phà thất nghiệp. Không thể để xảy ra tình trạng, cầu khánh thành hàng triệu người vui trong khi những người từng gắn bó với phà lại rơi vào cảnh không biết làm gì để sống”.
Cùng với chủ trương này, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Phạm Văn Long cho biết sở đang lập đề án trình UBND tỉnh về nhân sự. Trước mắt một số sẽ giải quyết nghỉ sớm có chế độ, theo nguyện vọng của anh em; số khác chuyển về BOT cầu Rạch Miễu, phà Cổ Chiên, Tân Phú, Cầu Ván và cả Hàm Luông. Như vậy, về cơ bản những công nhân, kỹ sư trên các bến tạm yên tâm với công việc của mình.
Phà ơi, về đâu?
Phà Rạch Miễu, Hàm Luông rồi sẽ khép lại nhưng đất cù lao Bến Tre còn chia cắt, những tuyến phà mới lại mở ra để các cù lao xứ dừa gần nhau hơn. Phà Cổ Chiên đã hoàn chỉnh, thời gian ngắn nữa sẽ đưa vào sử dụng; những dự án đang triển khai: mở rộng, nâng cấp phà Tân Phú, xây mới phà Hưng Phong, phà Mỹ An nối liền Ba Tri – Thạnh Phú …
Theo ông Phạm Văn Long, ngay sau tết, một số phà và nhân viên ở bến Rạch Miễu sẽ điều động sang bến Cổ Chiên. Khi bến Rạch Miễu khép lại cũng là lúc các cầu dẫn, ponton bến Tân Phú hoàn chỉnh và sẽ có 4 phà 100 tấn về phục vụ tại bến này.
Bến Hàm Luông, Cầu Ván sẽ được tăng cường thêm một số phà lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại khi cầu Rạch Miễu thông xe. Trước mắt là thế nhưng chỉ vài năm tới Cầu Ván, Cổ Chiên cũng sẽ được thay bằng cầu.
Phó Giám đốc Xí nghiệp phà Huỳnh Thanh Bình vui buồn lẫn lộn: “Bao nhiêu tuyến phà nữa sẽ mở ra nhưng hai tuyến chính Rạch Miễu và Hàm Luông không còn, tức Bến Tre đã hết cách trở đò giang. Một tập thể từng kiêu hãnh là doanh nghiệp đầu tiên của Bến Tre được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, rồi một ngày cũng sẽ… khép lại!”.
Đã có ý tưởng về việc chuyển bến phà Rạch Miễu, Hàm Luông thành điểm phục vụ du lịch? Vẫn còn nhiều lời bàn về vấn đề này. Nhưng có một điều, cầu Rạch Miễu dài gần 3km, chỉ với hai làn xe thì phà vẫn là phương tiện cần cho đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn giao thông cho tuyến đường huyết mạch. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, cùng với công nghiệp, du lịch sẽ là kinh tế mũi nhọn. Và vì thế, những tuyến phà, bến tàu, nhà hàng, du thuyền trên sông là thế mạnh của du lịch miền sông nước.
Phương Yến