
Sau ngày tái lập tỉnh vào tháng 4 năm 1992, Sóc Trăng đã làm một cuộc “cách mạng” phá thế độc canh cây lúa, chọn nuôi thủy sản làm bước đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với gần 50.000 ha mặt nước nuôi tôm cá, đặc biệt là 23.000 ha nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp, mỗi năm Sóc Trăng thu về cả trăm ngàn tấn tôm sú thành phẩm, hàng trăm ngàn tấn cá các loại.
- Quy hoạch phân vùng và đa dạng mô hình nuôi thủy sản
Tỉnh Sóc Trăng dựa vào địa hình đã phân chia thành 3 vùng nuôi thủy sản.

Nuôi tôm rải vụ giải quyết tình trạng cung vượt cầu.
Vùng nước lợ thuộc các huyện: Long Phú, Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên đã khai hoang và chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú. Ở đây có nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, tôm lúa. Trang trại 200 ha của anh Quách Hoàng Phong tại xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu - nuôi tôm sú công nghiệp theo tiêu chuẩn AB, đạt năng suất từ 8 -10 tấn/ ha. Công ty cổ phần nuôi tôm Mỏ Ó của anh em Lưu Thống Nhất, Lưu Quốc Việt và nhiều bà con ở cánh đồng Năn, Long Phú - nuôi theo công nghệ vi sinh VITEDI, năng suất đạt trên 15 tấn/ ha. Mô hình của anh Sáu Cần ở Tổng Cán, Long Phú - nuôi theo công nghệ Thái Lan đạt hiệu quả cao. Mô hình tôm- lúa của bà con sáu xã vùng kháng chiến cũ Hòa Tú cũng cho kết quả ngoài mong đợi.
Vùng ven sông Hậu với địa bàn chính là huyện Kế Sách, một phần 2 huyện Long Phú và Cù Lao Dung, nhiều xã nuôi tôm càng xanh; vài ba năm gần đây nhiều người đốn nhãn, xoài… lên vuông nuôi cá tra, cá ba sa và nhiều loại cá khác rất hiệu quả.
Vùng trũng thuộc các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú nằm trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau có rất nhiều dự án, lấy thủy sản làm mũi nhọn. Ngoài nuôi các loại cá, vùng này có nhiều mô hình nuôi cá bống tượng, rắn, lươn, cá sấu… mang lại nhiều lợi nhuận.
- Những tồn tại và giải pháp khắc phục

Thu hoạch tôm ở cánh đồng Năn, Long Phú.
Trong các mô hình nuôi thủy sản ở Sóc Trăng, con tôm sú được coi là thành công nhất. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, đó là: hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh, dễ gây ô nhiễm; chưa ươm được giống nên rất thụ động và phải sử dụng con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên các vuông tôm, gây tổn thất lớn cho người nuôi. Nhiều vùng nuôi tôm, cá tự phát, chính quyền địa phương không quản lý nổi dẫn đến lạm phát. Việc tổ chức và tổ chức lại sản xuất ở nông thôn nói nhiều nhưng hiệu quả thấp…
Những tồn tại trên sắp tới phải được khắc phục. Việc quy hoạch phân vùng đã rõ nhưng phải chấn chỉnh lại sản xuất. Tuy đã xây dựng được một số mô hình tổ sản xuất, tổ đoàn kết, hợp tác xã nhưng cần phải nhân rộng. Có như vậy, việc quản lý cộng đồng như: con giống, nguồn nước, kỹ thuật, mua bán sản phẩm, thông tin thị trường mới mang lại hiệu quả thiết thực. Phải thực hiện cho được vùng nuôi an toàn để tránh rủi ro. Sóc Trăng đang nghiên cứu nuôi tôm rải vụ để có nguyên liệu suốt năm phục vụ chế biến xuất khẩu.
LÊ BÌNH