Phá thế độc tôn

Một tháng sau khi chính thức trở lại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến công du hai ngày đến Trung Đông vào đầu tuần tới trong nỗ lực khẳng định tiếng nói của Nga tại một khu vực gia tăng quá nhiều bất ổn trong hơn một năm qua.

Chuyến đi bắt đầu ngày 25-6. Tổng thống Nga Putin sẽ đến TP Netanya của Israel, thảo luận với các nhà lãnh đạo nước này, sau đó gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Quốc vương Jordan Abdullah II.

Trong chuyến đi, ông Putin sẽ tham dự lễ ra mắt Trung tâm văn hóa Nga ở Bethlehem – TP của Palestine ở miền Trung Bờ Tây và lễ khánh thành một nhà khách ở Jordan dành cho những người hành hương Thiên Chúa giáo. Bên cạnh những hoạt động mang tính giao lưu văn hóa, mục đích chính của chuyến thăm Trung Đông lần này là sứ mệnh ngoại giao mà một nước lớn như Nga cần thực hiện.

Động thái này được giới quan sát ví như “gạt” Mỹ sang một bên, nhất là khi những diễn biến gần đây cho thấy chính quyền ông Obama khó có thể thay đổi tiến trình hòa bình Trung Đông được kỳ vọng lớn trước đó. Một mặt, Nga muốn khẳng định vai trò trong việc góp phần gỡ rối tình hình ngày càng phức tạp ở Syria. Mặt khác, Nga muốn ngầm khẳng định với Mỹ rằng cuộc chơi không thể mãi bị một người ngoài cuộc như Mỹ điều khiển và Nga đang trên đường khẳng định chiến lược chi phối Trung Đông của mình.

Ông Alexander Filonik, chuyên gia về Trung Đông ở Viện Nghiên cứu Đông Phương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, nhận định chuyến thăm của ông Putin rõ ràng có liên quan đến những gì đã xảy ra dồn dập ở Syria thời gian qua. Những ngày gần đây, xung quanh vấn đề Syria, Mỹ và Nga đã có khá nhiều mâu thuẫn. Mỹ liên tục đưa ra những thông tin cho rằng Nga đã điều tàu chiến đến Syria hoặc Nga sắp tập trận chung cùng Trung Quốc, Iran, Syria trong khi Nga một mực phủ nhận những thông tin trên.

Xét về thực tế, Mỹ đang bất lực trước việc thuyết phục Nga và Trung Quốc đứng về phía mình và những đồng minh phương Tây trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Syria. Cả Nga và Trung Quốc không dễ gì gật đầu đồng ý cho Mỹ và phương Tây biến Syria thành Libya thứ hai để tranh thủ lợi ích. Nga có vẻ đang có cơ hội khi trong lần trả lời phỏng vấn RIA Novosti vài tháng trước, giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu của Syria, ông Ahmed Badr al-Din Hassoun, cho rằng người Mỹ chỉ nghĩ đến bản thân họ, đến nền kinh tế và vai trò thống trị của họ chứ không hề quan tâm gì đến lợi ích của con người.

Ông Ahmed khẳng định, Mỹ sẽ sớm đánh mất ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Nga và Trung Quốc sẽ giành được khu vực này.

Nhiều thập niên qua, Mỹ luôn ở thế chủ động triển khai quân đội đến Trung Đông nhằm bảo đảm quyền chi phối dầu cũng như dùng quyền lực của một nước lớn để thúc đẩy hòa bình giữa Israel và các quốc gia láng giềng Ảrập. Nhưng trong bối cảnh hậu Mùa xuân Ảrập như hiện nay và khi hy vọng làm trung gian cho một hiệp ước hòa bình Israel - Palestine bị dập tắt, Israel không còn nhất nhất nghe theo Mỹ thì rõ ràng, cán cân quyền lực đã thay đổi.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục