Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua năm 2012 với những kết quả được ghi nhận bước đầu, song vẫn còn không ít khó khăn thách thức, tồn đọng phải xử lý trong năm 2013. Nhân dịp năm mới Quý Tỵ - năm con Rắn - vốn được người phương Đông coi là biểu tượng của sự thông thái và linh hoạt, Báo SGGP ghi nhận ý kiến một số chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.
- TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Phải gắn kết trách nhiệm cộng sinh
Ba đặc điểm quan trọng, cũng là 3 tồn tại lớn nhất của năm 2012 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2013. Đó là hàng tồn kho cao, lãi suất cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cao và số lượng doanh nghiệp bị phá sản lớn.
Tuy lãi suất đến cuối năm 2012 đã giảm nhưng đối với các lĩnh vực sản xuất thực, sau khi trừ chi phí để còn lãi 14% - 15% trả nợ lãi vay ngân hàng đối với các nhà quản trị doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, trong tháng 11-2012, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất và phá sản lớn hơn số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Điều này còn có ý nghĩa cảnh báo về an sinh xã hội: nếu năm 2013 những chính sách vĩ mô không điều hành tốt thì số lượng người lao động mất việc làm sẽ tăng lên rất lớn. Một trong những vấn đề phải giải quyết được là mối liên hệ giữa các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp, cụ thể là tạo được sự gắn kết trách nhiệm cộng sinh. Bây giờ ngân hàng nợ xấu rất lớn nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp có chỉ số báo cáo tài chính rất đẹp thì mới cho vay tiếp là không khả thi.
- Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam: Thách thức lớn nhất là đầu tư công thiếu hiệu quả
Tôi tin là với quyết tâm chính trị cao, Việt Nam sẽ vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay trong một vài năm tới. Năm 1997, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự, thậm chí chìm ngập trong nợ nần nhưng rồi đã hồi phục và hiện đang tăng trưởng khả quan. Điển hình là Thái Lan. Thái Lan làm được, Việt Nam cũng làm được. Vấn đề là lựa chọn đúng những ưu tiên chính sách và kiên định thực hiện. Những thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của bộ phận doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công, đã kéo lùi tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam. Nhìn chung, Chính phủ đã có những ưu tiên cải cách trong các lĩnh vực này nhưng cần phải đẩy nhanh hành động để đạt được kết quả rõ rệt hơn nữa.
- Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội: Bất động sản sẽ hết “đen”?
Nhìn ở khía cạnh tích cực, giá nhà đất giảm đã tạo cơ hội cho nhiều người mua nhà. Ngoài ra, người mua nhà, nhất là ở các thị trường nóng như Hà Nội và TPHCM, có cơ hội được đảm bảo quyền lợi của mình, thay vì chỉ biết có nghĩa vụ như thời kỳ phải xếp hàng dài dằng dặc và “lót tay” những khoản tiền hậu hĩnh để mua cho được nhà... trên giấy! Nhìn từ góc độ nợ xấu, nếu bong bóng bất động sản tiếp tục bị bơm căng như những năm 2006-2009 thì khi bong bóng vỡ, hậu quả còn tồi tệ hơn nhiều.
Trong năm 2013 và khoảng một hai năm nữa, với một tốc độ đô thị hóa 3,5% năm và tỷ lệ nhà ở căn hộ hiện còn khá thấp (dưới 20% trên toàn quốc) thì chắc chắn phân khúc nhà ở chính là hy vọng cho cả nhà đầu tư mới và cũ. Phân khúc văn phòng cho thuê và thương mại bán lẻ cũng không hoàn toàn đen tối, song nhà đầu tư phải chấp nhận thu tiền lẻ một cách dài hạn và giá cho thuê không còn cao ngất ngưởng như trước.
- Tiến sĩ Alan Phan: Linh hoạt là giải pháp quan trọng nhất
Chúng ta sẽ bắt đầu năm 2013 với một chiếc xe sa lầy. Tin đáng lạc quan là có rất nhiều giải pháp để kéo chiếc xe ra khỏi đầm lầy, vấn đề là chọn giải pháp nào. Điều đó lại tùy thuộc vào quyết tâm của hệ thống chính trị. Nhưng không có gì là miễn phí. Dường như sự khôn ngoan và linh hoạt mới là giải pháp quan trọng nhất để kéo cỗ xe kinh tế sa lầy, chứ không thể chỉ dùng sức.
Anh Thư ghi