Phác họa chân dung, hỗ trợ phá án

Không mới nhưng chưa phổ biến
Phác họa chân dung, hỗ trợ phá án

Cơ quan điều tra đã phá vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện quận 7 (TPHCM) chỉ trong vòng 4 ngày. Qua lời miêu tả của những nhân chứng, một họa sĩ đã phác họa ra chân dung nghi phạm, sau đó đưa lên báo, giúp việc truy tìm nghi phạm đạt hiệu quả nhờ người dân đã nhận diện được nghi phạm và cung cấp thông tin nhanh cho công an.

Chỉ qua lời miêu tả của những nhân chứng mà họa sĩ Phan Vũ Linh đã phác họa chân dung nghi phạm rất chính xác.

Chỉ qua lời miêu tả của những nhân chứng mà họa sĩ Phan Vũ Linh đã phác họa chân dung nghi phạm rất chính xác.

Không mới nhưng chưa phổ biến

Lâu nay, trong lĩnh vực khoa học hình sự ở nước ta, việc truy tìm nghi phạm bằng chân dung phác họa chưa phổ biến. Nhiều khi có hình ảnh tội phạm qua hệ thống camera kiểm soát, nhưng do không thấy rõ khuôn mặt, mà chỉ nhận dạng được hình dáng mập, cao, ốm… mà đã khó nhận dạng được nghi can. Trong vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh này, hoàn toàn không có hình ảnh hung thủ để lại qua hệ thống camera kiểm soát, nên càng khó. Công an quận 7 đã nhờ một họa sĩ phác họa ra chân dung nghi phạm từ lời miêu tả của các nhân chứng và các thông tin về phong thái, giọng nói, cách giao tiếp của nghi phạm. Thật tài tình, người họa sĩ đã phác họa chân dung nghi phạm chỉ mất 20 phút và được các nhân chứng khẳng định giống nghi phạm đến 90%. Sau đó, bức phác họa này được lan truyền rất nhanh trên mạng và báo chí, nên người dân đã chú ý truy tìm. Nhờ đó công an đã siết chặt vòng vây, truy tìm được đúng nơi nghi phạm đang giữ em bé. Chính kẻ bắt cóc cũng nhìn nhận đã rất hốt hoảng khi thấy báo đăng chân dung mình quá giống.

Thật ra việc phác họa chân dung tội phạm qua lời kể của các nhân chứng không phải là phương pháp mới trong khoa học hình sự, thậm chí đến nay nhiều nơi còn cho rằng phương pháp này đã lỗi thời, bởi đã có phác họa chân dung bằng phần mềm chuyên dụng trên máy tính, với đủ kiểu mắt, mũi, miệng, tóc… có sẵn, chỉ cần lắp vào cho các nhân chứng xem đến khi nào thấy thật giống nghi phạm. Tuy nhiên, theo báo Washington Post (Mỹ), nhiều sở cảnh sát ở Mỹ vẫn còn đang dùng phương pháp phác họa chân dung vẽ bằng tay có từ vài chục năm trước, vì được xem là hiệu quả. Tại nước này, cuối tháng 10-2013, một người đàn ông đã liên tục dùng súng uy hiếp các nữ sinh để cướp của và hiếp dâm tại những khu vực vắng vẻ không có camera. Một nhà phân tích tội phạm là chuyên gia phác họa chân dung nghi phạm đã bỏ ra vài giờ liền nghe các nạn nhân tả lại để phác họa khuôn mặt hung thủ. Hai tháng sau đó, nhờ vào bức phác họa chân dung mà cảnh sát đã bắt được nghi phạm.

Công lớn của người họa sĩ

Tại cuộc họp báo sau khi phá vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh tại quận 7, Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội thuộc Công an quận 7, cho biết: “Nhờ có bức phác họa chân dung nghi phạm đăng tải rộng rãi trên báo mạng, nhiều người dân đã để ý phát hiện người giống như nghi phạm. Anh chạy xe ôm đến ngay công an báo đã được nghi phạm thuê chở qua nhiều địa điểm. Thậm chí người dân các tỉnh Long An, Tiền Giang… cũng gọi về báo nhận dạng người giống nghi phạm, chúng tôi nhanh chóng cử người đi xác minh. Một người dân ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đã gọi điện thoại báo có thấy người phụ nữ giống y bức phác thảo chân dung này. Từ thông tin đó, công an đã tìm thấy chính xác nghi phạm, bao vây căn nhà. Để bảo đảm an toàn tính mạng cháu bé, công an đã gọi điện vận động nghi phạm ra đầu thú”.

Đại diện cơ quan công an và gia đình cháu bé đã phát biểu tỏ lòng chân thành cảm ơn người họa sĩ đã phác họa tài tình chân dung nghi phạm nên chuyên án được phá rất nhanh. Khi nghi phạm ra trình diện tại cuộc họp báo, mọi người đều sửng sốt thấy đúng là gương mặt đã được thể hiện quá chính xác trong bức phác họa. Người họa sĩ tài giỏi đó là Phan Vũ Linh, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM.

Từ chuyên án này, cho thấy nên phát huy phương pháp phác họa chân dung nghi phạm từ lời tả của các nhân chứng và nên thông tin rộng rãi để người dân cùng tham gia cung cấp thông tin truy bắt nghi phạm. Trong điều kiện ở Việt Nam chưa có nhiều camera quan sát ở nơi công cộng, nên công tác điều tra truy nã tội phạm còn gặp nhiều khó khăn. Cơ quan điều tra nên có những người chuyên phác họa lại chân dung nghi phạm và nên có trang web của công an thông tin về tình hình tội phạm, thông báo truy nã tội phạm, để mọi người dân có thể đối chiếu, nhận diện, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi phát hiện nghi phạm.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục