Báo SGGP có nhận được thắc mắc của bạn đọc, đề nghị được giải đáp một số vấn đề liên quan đến đăng ký hộ khẩu. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 64) Công an TPHCM đã trả lời như sau:
- Hỏi:
1- Trước đây, tôi đồng ý cho hai anh em (là con của bạn) từ tỉnh ngoài nhập vào hộ khẩu ở quận 10, TPHCM. Cả hai đều chỉ có tên trong hộ khẩu chứ không cư ngụ tại nhà tôi, mà thực tế là sống tại nhà mẹ ruột ở quận 1. Nay tôi yêu cầu họ chuyển hộ khẩu đến nhà mẹ ruột (nhà đã được mua theo Nghị định 61/CP, đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) nhưng họ không thực hiện. Xin hỏi có thể đề nghị xóa tên hai người này trong hộ khẩu ở quận 10 được không và thủ tục như thế nào?
Trần Như Khanh, P.14, Q.10
2- Nhà có một hộ khẩu ghép, do người mẹ đứng tên chủ hộ ở hộ ghép, các thành viên khác trong hộ ghép là con gái và cháu ngoại. Nay người mẹ đã qua đời, con gái và cháu ngoại cư ngụ tại nhà riêng ở chỗ khác (nhà có chủ quyền tư nhân) chứ không sống tại nơi đăng ký hộ khẩu ghép. Chủ hộ chính muốn xóa hộ khẩu ghép này thì có được không và thủ tục như thế nào?
Đặng Thị Thanh Mai, P.5, Q.3
>> Đáp: Cả 2 trường hợp trên đều giải quyết theo Luật Cư trú. Theo đó, khoản 1 Điều 23 quy định: “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”.
Như vậy, cả 2 trường hợp này đều không thể xóa đăng ký thường trú. Nếu các đương sự thực tế cư trú tại chỗ ở hợp pháp khác và thời gian cư trú đã trên 24 tháng thì chủ hộ nơi đăng ký thường trú cũ yêu cầu họ làm thủ tục chuyển đăng ký thường trú; nếu các đương sự không thực hiện thì đã vi phạm quy định nói trên của Luật Cư trú. Chủ hộ có thể đề nghị cơ quan công an nơi đang đăng ký thường trú (cụ thể ở đây là Công an quận 10 và Công an quận 3) xử phạt hành vi vi phạm này (áp dụng Điều 11 của Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội).
- Hỏi: Nhà tôi thuộc diện giải tỏa trắng trong dự án đại lộ Đông Tây, đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn chưa mua được nhà khác, hiện sống không ổn định tại các khu nhà trọ ở quận ven và huyện ngoại thành. Xin hỏi tôi có được quyền để hộ khẩu ở nơi cư ngụ cũ là quận 6 hay không?
N.T.N.Ph., P.7, Q.6
>> Đáp: Thực tế trên địa bàn thành phố, do nhu cầu của phát triển đô thị, hiện có nhiều khu vực quy hoạch, giải tỏa trắng. Có nhiều hộ dân tuy đã nhận tiền đền bù, không còn ở nơi cũ nhưng chưa có điều kiện về chỗ ở hợp pháp nên không thể di chuyển đăng ký thường trú được. Luật Cư trú và các văn bản có liên quan không quy định việc di chuyển đăng ký thường trú đối với trường hợp này vì chưa có chỗ ở hợp pháp để chuyển đến và cũng không quy định xóa đăng ký thường trú.
Đối với những trường hợp đã được bố trí tái định cư (tức đã có chỗ ở hợp pháp) nhưng lại bán, sang nhượng chỗ tái định cư và đi ở thuê tại các khu nhà trọ vẫn để hộ khẩu ở nơi đăng ký thường trú cũ… thì Công an TPHCM đang xin ý kiến hướng dẫn giải quyết của Bộ Công an.
H.T.K.