(SGGP).- Ngày 6-4, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika xuất hiện ở Việt Nam.
Bộ Y tế chỉ rõ, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu thông qua muỗi vằn Aedes và có thể gây thành dịch. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, tình hình dịch bệnh do virus Zika hiện nay là một sự kiện cộng đồng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do nghi ngờ có sự liên quan giữa nhiễm virus Zika với các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh (trước đó thai phụ bị nhiễm Zika), đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.
Tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian ủ bệnh của virrus Zika từ 3 đến 12 ngày, người bị bệnh thường có các biểu hiện như sốt nhẹ, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp. Tuy nhiên có khoảng 60% - 80% trường hợp nhiễm Zika không có biểu hiện lâm sàng. Đáng chú ý, phụ nữ mang thai khi tính đến phương án xét nghiệm virus Zika chỉ nên thực hiện nếu đang mang thai trong 3 tháng đầu và có dấu hiệu như sốt phát ban hoặc các triệu chứng đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc; đang sinh sống hoặc đã đến những vùng có dịch; đã quan hệ với chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm dương tính với Zika. Bộ Y tế cũng khuyến cáo những phụ nữ có thai cần đi khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ. Các bác sĩ trong bối cảnh dịch bệnh Zika xảy ra khi thực hiện khám cho thai phụ cần hỏi rõ tiền sử, các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và hình thái học của thai nhi để phát hiện đầu nhỏ.
Cần lưu ý, với những phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với Zika nhưng khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và bất thường về não ở thai nhi, các bệnh viện cần tiếp tục chăm sóc, theo dõi trước khi siêu âm lại để đưa ra hướng xử lý phù hợp. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, cần chuyển thai phụ đến những cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ, sàng lọc bệnh bẩm sinh. Đồng thời, khi đã xác định thai nhi bị tật đầu nhỏ, cơ sở y tế phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn cho thai phụ và gia đình để họ tự đưa ra quyết định. Trường hợp thân nhân quyết định giữ lại thai, bệnh viện phải tiếp tục chăm sóc thai nghén, tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước sinh cho thai phụ cùng gia đình để họ chuẩn bị chăm sóc bé sơ sinh.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ (trái) so với trẻ bình thường
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần thực hiện một số biện pháp như: áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ; không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết; đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc đi về từ vùng có dịch, nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần chủ động đến cơ sở y tế khai báo về tiền sử đi lại để được khám, tư vấn.
Ngày 6-4, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND phường Mũi Né và Hàm Tiến (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) ra quân chiến dịch “Diệt muỗi, lăng quăng phòng chống virus Zika và sốt xuất huyết”. Trong ngày ra quân, các đơn vị trên đã dùng máy phun chứa hoạt chất thuốc diệt muỗi đặt trên ô tô chuyên dụng, phun dọc các tuyến đường chính của hai phường Mũi Né và Hàm Tiến. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng cử lực lượng đến từng nhà dân để kiểm tra và diệt lăng quăng, tổ chức tuyên truyền về mối nguy hại của virus Zika và bệnh sốt xuất huyết.
Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang tăng cường thực hiện các giải pháp giám sát dịch tễ tại khu dân cư, khu du lịch, cơ sở lưu trú; giám sát biểu hiện ca bệnh, lấy mẫu huyết thanh, mẫu bệnh có biểu hiện sốt trong toàn tỉnh gửi về Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh do virus Zika, về vật lây nhiễm, các dấu hiệu của bệnh, triển khai biện pháp phòng chống bệnh, chủ yếu tập trung thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và muỗi vằn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình Thuận và Lâm Đồng cùng với Khánh Hòa, TPHCM là các địa phương mà du khách Úc nhiễm virus Zika đã có mặt trong chuyến du lịch Việt Nam. Hiện Khánh Hòa và TPHCM đã có ca dương tính với Zika; Bình Thuận và Lâm Đồng cũng đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh Zika lên mức 2 (coi như đã có ca nhiễm).
Các nhà nghiên cứu hàng đầu về virus Zika hiện nay tin rằng chứng dị tật đầu nhỏ bẩm sinh và hội chứng tê liệt Guillain-Barre (gây yếu cơ và tê liệt tạm thời) có thể chỉ là 2 chứng bệnh rõ ràng nhất do virus này gây ra qua muỗi.
Theo Reuters, các nhà khoa học gần đây phát hiện các ca nhiễm trùng não và tủy sống nặng, bao gồm cả viêm não, viêm màng não và viêm tủy xảy ra ở những người từng nhiễm virus Zika. Ngoài ra, theo nghiên cứu mới nhất, virus Zika cũng có khả năng gây tê liệt và tàn tật vĩnh viễn.
Vì vậy, virus này có thể gây nhiều bệnh hơn so với nghiên cứu ban đầu. Điều này có thể tăng thêm áp lực đối với các nước bị ảnh hưởng trong việc tăng cường phòng chống, trong đó có việc diệt muỗi, đầu tư thêm vào công tác chăm sóc cho bệnh nhân cũng như thúc đẩy giới khoa học cấp bách tìm ra vaccine phòng ngừa virus Zika.
Cũng theo nhà khoa học Mary Kay Kindhauser thuộc Tổ chức Y tế thế giới, có nhiều bằng chứng cho thấy virus Zika có thể biến đổi so với ban đầu khi lây nhiễm.
NGUYỄN QUỐC - NGUYỄN TIẾN - ĐOÀN KIÊN - HUY QUỐC