Phải đạt mức hơn 90% người dân tham gia BHYT vào năm 2020

Ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.
Phải đạt mức hơn 90% người dân tham gia BHYT vào năm 2020

(SGGPO) - Ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến



Mỗi giám định viên của BHXH phải phụ trách 75.000 hồ sơ

Phát  biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân là một trong nội dung quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội, đó là việc thiết thực của dân chúng ta phải tập trung làm. Sau gần 25 năm thực hiện (từ 1992) chính sách BHYT, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả. BHYT hiện nay đã bao phủ trên 76%, đó là một cố gắng lớn,  nhưng chưa phải cao. Đề án của Chính phủ đã nêu rõ phải  nâng tỷ lệ tham gia BHYT lên để mọi người dân được hưởng phúc lợi xã hội quan trọng này, nhất là người nghèo. Thủ tướng cho rằng cần đạt trên 90%.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, năm 2015 đã nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ với 76,5% người dân cả nước tham gia BHYT. Phấn đấu hết năm 2016 đạt trên 78%. Để hoàn thành mục tiêu sớm bao phủ BHYT toàn dân, BHXH kiến nghị Thủ tướng cho phép BHXH Việt Nam chủ động mở rộng mạng lưới thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các trạm bưu điện… để người dân có thể mua BHYT tại bất cứ đâu. Với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, cho phép các thành viên được tham gia ở các thời điểm khác nhau trong năm và có giảm trừ từ thành viên thứ hai. Với các đối tượng vùng bãi ngang, trong khi chờ trình Thủ tướng danh sách các xã vùng bãi ngang, cho phép tiếp tục bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này theo quyết định trước đây. Đề nghị Bộ Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút với người dân tham gia BHYT, có lộ trình tăng giá dịch vụ bảo đảm công bằng giữa các đối tượng. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an điều chỉnh lộ trình để 100% đối tượng trong lực lượng vũ trang tham gia BHYT vào năm 2017. Bộ Tài chính cân đối ngân sách, xem xét nâng mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, HS-SV. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở xây dựng kế hoạch để tới 2017 có 100% HS-SV tham gia BHYT… Các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, đưa nội dung phát triển đối tượng BHXH là chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm..

Theo bà Minh, BHXH đã tính toán chi tiết tổng mức hỗ trợ cho các đối tượng (người cận nghèo, hộ gia đình..) tại các địa phương để các địa phương nghiên cứu xem xét. Theo đó, năm 2016 dự kiến là 450 tỷ đồng. Hiện nay, số kết dư ở các địa phương khoảng 200 tỷ đồng. Còn lại đề nghị lấy kết dư ở quỹ trung ương để triển khai ngay trong năm 2016.  Năm nay nâng giá dịch vụ y tế tăng thêm 10.000 tỷ thì Bộ Tài chính có thể chuyển khoản tiền này sang mua BHYT cho người dân. Bà Minh cho rằng, nếu hỗ trợ thì tỷ lệ người dân tham gia nhiều hơn, các bệnh viện cũng sẽ phải cạnh tranh để thu hút bệnh nhân, như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng KCB BHYT.

Vẫn theo bà Minh, hiện mỗi giám định viên của BHXH phải phụ trách 75.000 hồ sơ, thực tế là không thể giám định được. “Ứng dụng CNTT là vấn đề  sống còn. Chỉ khi nào giám định BHXH được liên thông trong toàn quốc thì mới thực hiện giám định tốt được, tương tự như một cái “sàng” để lọc những gì bất hợp lý. Vì vậy, để liên thông với 14.000 cơ sở KCB, cần thiết lập hệ thống thông tin thống nhất”, bà Minh nêu.  BHXH đã thống nhất lựa chọn Viettel để thực hiện chương trình này. Dự kiến tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng cho 5 năm, mỗi cơ sở y tế chỉ cần 10 triệu đồng/năm, mỗi hồ sơ bệnh án chỉ phải chi 1.500 đồng để giám định, khi vận hành sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Để hoàn thành hệ thống này trước 30-6, BHXH kiến nghị Bộ Y tế ban hành bộ mã dùng chung về thuốc, vật tư… chỉ đạo các Sở Y tế phê duyệt đầy đủ danh mục, hoàn thành liên thông kết nối thông tin trên hệ thống mạng thông tin toàn quốc…

Phải nâng cao chất lượng KCB

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đã nâng cao chất lượng KCB, giảm tải BV, cải cách, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh khoảng 50 phút... Vừa qua ngành cũng đã  xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến Trung ương có hành vi không đúng với người bệnh. “Tổng chi phí thanh toán của quỹ BHYT năm 2012 là 31.100 tỷ đồng, năm 2014 tăng lên 41.100 tỷ đồng, năm 2015 là khoảng 50.000 tỷ đồng, qua đó cho thấy người có thẻ BHYT đã tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế”, Bộ trưởng nêu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, mục tiêu 90% người dân tham gia BHYT vào năm 2020 là một thách thức lớn, vì vậy cần phải đẩy mạnh các giải pháp, nhất là ở các địa phương vẫn còn tỷ lệ dưới 70%. Hiện nay khó nhất là đối với đối tượng hộ gia đình, vì vậy cần tập trung vận động đối tượng này để họ chuyển sang tham gia BHYT. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ, kỹ thuật y tế đối với người bệnh chưa sử dụng BHYT để bảo đảm bình đẳng và thu hút người dân tham gia BHYT dưới dạng tự nguyện và hộ gia đình...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, lúc đầu, chúng ta đặt mục tiêu tới 2015 tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 75% và tới 2020 là 80%. Khi đó có ý kiến nói năm 2015 không thể đạt 75%, nhưng chúng ta giao nhiệm vụ cho từng địa phương, cuối cùng đạt 76%. Cho thấy, nếu nhận thức đúng thì có thể làm được. “Đến nay, chúng ta bàn để điều chỉnh quyết định đó, đây là lần đầu tiên Quốc hội giao chỉ tiêu mà Chính phủ mạnh dạn đi trước và đi trước rất lớn. Tinh thần của BHYT cũng như các loại BHXH là số đông dồn lại dùng cho số ít, bình thường bỏ ra tiết kiệm một ít để được chữa trị tốt khi có bệnh. Cần phải nhận thức như vậy”, Phó Thủ tướng nêu.

Theo Phó Thủ tướng, để ở rộng BHYT, trước hết ngành y tế và hệ thống y tế phải nâng cao chất lượng KCB, không phân biệt giữa người khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ. “Việc này dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn sự khác biệt, tôi đã nhiều lần trực tiếp đi khảo sát”, ông cho biết.  Tiếp đến, bảo đảm người dân đóng BHXH thì khi vào viện phải bỏ tiền túi ít hơn, cùng với đó, liên thông toàn bộ các bệnh viện để người dân cầm một cái thẻ BHYT thì đi bất kỳ đâu cũng được KCB. Đối với các đối tượng được ngân sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mua thẻ BHYT như người nghèo, trẻ em, nông dân, ngư dân…, ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương cùng tiếp tục hỗ trợ. “Chúng ta có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới mục tiêu các cơ sở y tế cơ bản tự chủ về tiền lương, phụ cấp sau khi tính vào giá dịch vụ. Hiện  nay, 1 năm chúng ta dành 11.000 tỷ đồng chi lương cho ngành y tế. Tôi đề nghị ngân sách không giảm khoản này và chuyển sang hỗ trợ cho một số đối tượng mua BHYT tự nguyện lần đầu từ năm 2017. Không chỉ hỗ trợ cho nông dân, ngư dân nghèo, cận nghèo mà cần mở rộng hỗ trợ người mua lần đầu, mua theo hộ gia đình, để người dân quen dần với việc mua và sử dụng BHYT", Phó Thủ tướng gợi ý.

Ý kiến các địa phương như TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai.. đều cho rằng, để hút người dân tham gia BHYT, điều quan trọng đầu tiên là phải nâng cao chất lượng KCB BHYT. Ngoài ra, Hà Nội đưa ra một số đề xuất, như nâng mức hỗ trợ cho HS-SV thêm 20% (hiện mới hỗ trợ 30%), hỗ trợ các đối tượng tham gia theo hộ gia đình thêm 10%.. Một số ý kiến đồng tình nhà nước tiếp tục hỗ trợ dân mua BHYT, tuy nhiên cũng cần tính đến mặt trái là nhiều người dân ỷ lại nhà nước...

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục