Phải dự báo được cung - cầu nông sản

Từ hơn 1 tháng qua, trên báo SGGP liên tục có các bài viết, ý kiến về một thực trạng liên tục lặp đi, lặp lại “nông sản được mùa rớt giá”, khiến sản xuất và đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với thạc sĩ Bùi Văn My, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNN TPHCM) về giải pháp cho vấn đề này. * Phóng viên:
Phải dự báo được cung - cầu nông sản

Từ hơn 1 tháng qua, trên báo SGGP liên tục có các bài viết, ý kiến về một thực trạng liên tục lặp đi, lặp lại “nông sản được mùa rớt giá”, khiến sản xuất và đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với thạc sĩ Bùi Văn My, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNN TPHCM) về giải pháp cho vấn đề này.

* Phóng viên:
Thưa ông, có thể lý giải thế nào về thực trạng “nông sản được mùa rớt giá”?

* Ông BÙI VĂN MY: Được mùa rớt giá cũng là hiện tượng bình thường theo quy luật cung cầu của thị trường. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để nông dân có được thu nhập ổn định, dù có rớt giá cũng bán được sản phẩm, chứ không phải đổ bỏ, thua lỗ nặng nề. Không nên đổ lỗi cho nông dân sản xuất chạy theo “phong trào, tự phát không theo quy hoạch”, bởi nông dân ít có sự chọn lựa trong việc phát triển, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để có mức thu nhập ổn định và đảm bảo lợi nhuận tương đối. Do đó, tâm lý thấy người xung quanh trồng cây gì hoặc nuôi con gì có lợi nhuận cao, thì mình cũng nuôi, trồng loại cây con đó. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải có trách nhiệm trong việc tư vấn, định hướng, dự báo cung cầu, dự báo thị trường giá cả…

Hoa lan là loài cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở TPHCM. Song việc dự báo thị trường hoa lan không đơn giản.

* Thưa ông, trung tâm có giải pháp gì để tham gia hạn chế tình trạng trên?

* TPHCM là nơi tiêu thụ rất nhiều nông - lâm - thủy sản, nhờ thuận lợi về thị trường nên tình trạng nông sản được mùa rớt giá không xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, để làm được điều này, các cơ quan chức năng liên quan của TPHCM phải tham gia từ đầu vào và định hướng đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ nông dân trước mùa vụ để hạn chế tình trạng được mùa rớt giá. Với vai trò cơ quan tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, trung tâm hỗ trợ nông dân về cơ chế chính sách đầu tư trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tư vấn kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tìm kiếm thị trường… Hàng tuần, trung tâm thường xuyên theo dõi về cung cầu sản xuất, diễn biến giá cả thị trường nông sản để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nông dân về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

* Tại TPHCM có nhiều hộ trồng hoa lan và nuôi bò sữa, vẫn còn gặp khó khăn, thậm chí có khi bế tắc về đầu ra sản phẩm?

* Hiện nay, người trồng lan tại TPHCM có mức lợi nhuận tương đối khá. Lan là loài cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở TPHCM. Song việc dự báo thị trường không đơn giản, không ai chắc rằng vài năm nữa hoa lan sẽ có giá cả như thế nào. Trung tâm thường có kế hoạch ngay từ đầu để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều giải pháp, không để xảy ra tình trạng nghẽn đầu ra rồi mới giải quyết. Ví dụ hỗ trợ về vốn cho đầu tư, kỹ thuật, hợp tác liên kết, tổ chức kết nối, hỗ trợ thông tin quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới… Nếu mọi khâu trong sản xuất đều có kế hoạch thì nông dân ổn định được đầu ra cho sản phẩm. Còn một số hộ nuôi bò sữa chưa ký được hợp đồng với công ty thu mua sữa là do các hộ này chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, mới phát triển đàn và thường đem sữa gửi bán giùm. Nay công ty sữa thay đổi chính sách thu mua để kiểm soát chất lượng sữa, không cho bán giùm. Sở NN-PTNT TPHCM đã và đang làm việc với các công ty sữa và đơn vị có liên quan để tháo gỡ cho những nông hộ này.

* Kịp thời thông tin cung cầu trên thị trường nông sản là yếu tố quan trọng để giúp nông dân tránh tình trạng được mùa rớt giá. Việc này đang được thực hiện như thế nào?

* Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, việc thu thập, báo cáo, xử lý thông tin về cung cầu trên thị trường nông sản hiện nay còn chậm. Quản lý theo kiểu hành chánh, văn bản, báo cáo, họp hành, nên phản ứng không kịp với sự thay đổi của thị trường. Để có thông tin về diện tích, sản lượng của một loại cây trồng nào đó, phải chờ người sản xuất khai báo đến hội, huyện, tỉnh, trung ương. Chưa nói khâu họp góp ý, trình ký, gửi đi bằng đường bưu điện mất nhiều thời gian, khi thông tin đến cơ quan cần xử lý thông tin để tham mưu tìm giải pháp thì cũng đã chậm. Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM đang nghiên xây dựng dự án quản lý bằng điện tử trực tuyến. Khi đó, thông qua phần mềm online được phân cấp, người sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, hải quan, nhà vườn… chỉ cần điền số liệu thực tế (diện tích, năng suất, sản lượng, giá cả, thời điểm xuống giống...) nhấp chuột là nơi nhận cuối cùng đã nhận được để báo cáo nhanh tình hình trong ngày.

* Theo ông, có thể giải quyết căn cơ tình trạng được mùa rớt giá không?

* Ngoài các giải pháp chúng ta đang làm, như hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, liên kết sản xuất… Theo tôi, trước mắt ngay từ đầu vụ, cần có kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cần nắm rõ diện tích sản xuất của từng loại cây trồng, thời điểm xuống giống, thời gian và sản lượng dự kiến, bao nhiêu hộ sản xuất đã có định hướng đầu ra, bao nhiêu hộ chưa có. Qua đó, tổ chức tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu, quy hoạch sản phẩm. Nhất thiết phải có doanh nghiệp làm đầu tàu tổ chức sản xuất, hướng dẫn cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài, phải có quy hoạch phát triển nông nghiệp bài bản, theo tôi, phải làm bài bản như quy hoạch công nghiệp, như vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư được. Không nên cứ loay hoay trong thực trạng các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nhưng chưa chỉ ra cho họ là đất ở đâu, phương thức liên kết với nông dân như thế nào, nhà nước hay địa phương có chính sách gì để hỗ trợ...

* Xin cảm ơn ông.

THANH HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục