Phải học tập mô hình cai nghiện ma túy ở thế giới

Số người nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM có hồ sơ quản lý không ngừng tăng và có xu hướng trẻ hóa, trong khi đó, hoạt động mại dâm trên địa bàn TP vẫn còn diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi; tình hình dịch HIV trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao có xu hướng tăng nhẹ qua đường tình dục.
Bệnh nhân uống methadone tại một cơ sở điều trị
Bệnh nhân uống methadone tại một cơ sở điều trị

Đây là thực tế ghi nhận được trong cuộc làm việc của Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với UBND TPHCM ngày 28-5.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết tổng số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TPHCM đã thực hiện cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng là 4.286 người. Đến nay, đã giảm 2.915 người do đã hoàn thành thời gian cai nghiện, tử vong, chuyển địa phương khác sinh sống… Tuy nhiên, số người nghiện ma túy trên địa bàn TP có hồ sơ quản lý đang không ngừng tăng. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều đối tượng sử dụng ma túy sau đó gây ra các loại án xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu với tính chất liều lĩnh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. 

Cùng với đó, hoạt động mại dâm trên địa bàn cũng diễn biến với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh núp bóng, trá hình. Qua kết quả rà soát của các quận, huyện, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn TP có khoảng 10.231 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Song song đó, tình hình dịch bệnh HIV trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới) tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ qua đường tình dục. Ước tính năm 2017, TP phát hiện 5.864 trường hợp nhiễm mới HIV. 

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm luôn được lãnh đạo TPHCM quan tâm chỉ đạo sâu sát và quyết liệt, nhưng đến nay công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên; việc vận động nguồn kinh phí ngoài xã hội chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; việc quản lý đầu ra của tiền chất ma túy tại TP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa khắc phục được...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá 70% đối tượng nghiện ma túy đá và việc buôn bán heroin, thuốc phiện vẫn còn rầm rộ nên TPHCM không thể chủ quan. Methadone vẫn là nền tảng cai nghiện chủ lực, cần đảm bảo điều trị và cần mở rộng phạm vi uống Methadone tại các cơ sở xã, phường. Về giải pháp cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các cơ sở cai nghiện ma túy cần có giải pháp về nhân lực, thực hiện tốt mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hiệp quốc (90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm; 90% người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV và 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp). Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ tài chính tại các cơ sở điều trị. “Đặc biệt, cần học tập mô hình cai nghiện ma túy ở các nước khác. Ngoài ra, nên có sự tham gia của nhà trường trong việc tuyên truyền học sinh tránh xa tệ nạn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc tại Cơ sở điều trị Methadone quận Gò Vấp và Cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn). Tại đây, đoàn đã lắng nghe, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của các cơ sở trong việc triển khai điều trị cai nghiện cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tin cùng chuyên mục