Phải kiên quyết với “đường lưỡi bò”

Nhiều năm trước, trong một buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ ở một trường đại học lớn, vị giáo sư là chủ tịch hội đồng chấm luận văn chỉ sau vài slide chiếu của học viên đã nói ngay: “Tôi đề nghị học viên bỏ ngay slide này ra khỏi phần trình chiếu, nếu không, tôi buộc phải chấm dứt buổi bảo vệ bởi học viên sử dụng bản đồ Việt Nam mà thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. 

Thái độ dứt khoát đó phải đến từ một người có tâm thế luôn ý thức cao độ về chủ quyền quốc gia nói chung và về chủ quyền biển đảo nói riêng. Thái độ đó cũng thể hiện một ý thức cảnh giác với bất kỳ sản phẩm, ấn phẩm nào dù vô tình hay cố ý xâm phạm đến chủ quyền quốc gia.

Tiếc rằng, không phải ai cũng có ý thức và nhận thức sâu sắc, cẩn trọng như vị giáo sư đó. Gần đây, “đường lưỡi bò” đã được phía Trung Quốc “cài cắm” vào nhiều ấn phẩm, khi thì hộ chiếu, lúc trong phim, lúc nằm trong tờ rơi hướng dẫn du lịch hay trong các bản đồ (kể cả bản đồ trong ô tô được xuất khẩu sang Việt Nam)… Việc làm này được phía Trung Quốc thực hiện nhắm đến nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam. Với nước ta, sự việc gần nhất là “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ, trong cuốn sách ảnh về các điểm du lịch của Trung Quốc tại quầy giới thiệu tour của một công ty du lịch, cả trong giáo trình dạy tiếng Hoa của một trường đại học.

Đưa “đường lưỡi bò” vào các ấn phẩm, tài liệu… là một âm mưu tinh vi và nham hiểm của phía Trung Quốc. Hiện nay, yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông theo “đường lưỡi bò” đã bị tất cả các nước trong khu vực và phần lớn các nước trên thế giới phản đối, không thừa nhận và bản thân Trung Quốc cũng rất đuối lý khi đề cập cơ sở pháp lý cho yêu sách này. Dù vậy, Trung Quốc đã không ngừng thực hiện nhiều cách thức để hiện thực hóa yêu sách này, trong đó không ngừng cải tạo, bồi lấp các thực thể trên biển Đông mà họ đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam, cả ở quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa. Hay gần đây, Trung Quốc nhiều lần kéo tàu thăm dò địa chất đến khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại bãi Tư Chính…

Việc Trung Quốc sử dụng nhiều cách để “cài cắm” “đường lưỡi bò” vào các tài liệu, ấn phẩm đến các nước láng giềng là một trong những cách thức nhằm mục đích hiện thực hóa từ yêu sách. Chúng ta đều biết rằng, dẫu Trung Quốc có hàng triệu, hàng tỷ ấn phẩm có đưa “đường lưỡi bò” vào trong đó thì cũng không thể biến một đòi hỏi phi lý thành hiện thực được, nhưng đó là cách để lan tỏa dần một yêu sách, sẽ dần làm cho người dân Trung Quốc tin tưởng đòi hỏi đó là chính đáng, là đúng luật pháp quốc tế, còn người dân các nước có thể dần quen thuộc với đòi hỏi đó. Khi một điều nói dối hay xảo trá được lặp đi lặp lại mãi qua nhiều năm, nhiều thế hệ bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện, thì đến lúc nào đó nó có thể trở thành một thứ như sự thật, có thể được thừa nhận như một chân lý. Sự tinh vi và nham hiểm của phía Trung Quốc là như vậy.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta kiên quyết phản đối “đường lưỡi bò” dưới mọi hình thức. Chúng ta phải cảnh giác với bất cứ ấn phẩm, tài liệu (sách, báo, phim, bản đồ, đồ chơi…) có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc một quốc gia, vùng lãnh thổ nào khác có liên quan đến chủ quyền trên biển Đông, trong đó có yêu sách “đường lưỡi bò”. Nếu phát hiện có thông tin, chú thích sai trái về chủ quyền trên biển Đông thì phải lập tức báo với cơ quan chức năng để thu hồi, tiêu hủy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân tàng trữ, sử dụng ấn phẩm, tài liệu đó.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không sử dụng, giới thiệu bất cứ tài liệu gì cho rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với bất kỳ một vùng lãnh thổ hay một khu vực nào, hoặc thừa nhận có nội dung tương tự, dù rằng không nhắc gì đến biển Đông. Bởi nếu chúng ta thừa nhận chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các khu vực khác thì có thể chúng ta sẽ sa vào bẫy pháp lý đối với một số khu vực trên biển Đông, nhất là trong “đường lưỡi bò”, bởi Trung Quốc lâu nay cũng luôn rêu rao rằng họ có “chủ quyền lịch sử” đối với phần lớn biển Đông.

Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ kiên quyết phản đối với “đường lưỡi bò” phi pháp, mà còn cần có ứng xử hợp lý với nhiều vấn đề khác liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chẳng hạn, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình và trong khuôn khổ luật pháp quốc tế…; đồng thời, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để toàn dân nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới…

Tin cùng chuyên mục