
Trong thời gian qua toàn đến việc hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội Đảng, toàn dân đã tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng khá mạnh mẽ và quyết liệt, đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, đã xử lý những người vi phạm, từ kỷ luật hành chính đến cách chức, bỏ tù, tịch thu tài sản, kể cả tử hình một số người, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra rất phổ biến và nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân ta.
Một câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao chúng ta đã nói, đã làm khá nhiều mà kết quả vẫn chưa được như mong muốn?
Có ba nguyên nhân rất cơ bản dẫn tới tham nhũng. Trước hết, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tham nhũng là lòng tham của con người. Thứ hai, là sự sơ hở, lơi lỏng trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội của chính chúng ta. Thứ ba, là các biện pháp, hình thức giáo dục và xử phạt chưa đủ mức răn đe.
Chúng ta đều biết con người trong xã hội nguyên thủy vốn không có tham nhũng. Đó là lúc con người làm chung, ăn chung, mỗi người đều hoàn toàn tự nguyện, tự giác lao động hết mình cho tập thể mới có cái để sinh tồn. Con người lúc đó sống hết sức hoang sơ, mông muội; trình độ phát triển kinh tế, văn hóa thì hết sức thấp kém, nhưng xã hội nguyên thủy ấy lại văn minh hơn xã hội chúng ta hôm nay là không có tham ô, tham nhũng. Với trình độ phát triển của xã hội lúc bấy giờ con người chưa xuất hiện lòng tham và cũng không có gì để tham.

Thảo luận Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 8 QH khóa 11.
Nhưng từ khi lao động của con người có được sản phẩm thặng dư, tức là có của để dành, thì cũng chính là lúc tham ô, tham nhũng bắt đầu xuất hiện. Cái thói hư tật xấu ấy về sau được gọi là tham nhũng, càng ngày quy mô càng lớn, phát triển cho đến tận bây giờ.
Tham nhũng chỉ hoàn toàn mất đi khi không còn những điều kiện gây ra tham nhũng; lúc tất cả mọi người không chỉ không dám, không thể mà hoàn toàn không cần tham nhũng. Không ít người trong chúng ta đã từng nghĩ rằng con người không ước muốn gì hơn là được như lời cầu nguyện của những người Thiên Chúa giáo: “Cầu Chúa cho con được đủ dùng”. Nhưng rồi nói chung con người đã không dừng lại ở chỗ đủ dùng.
Để cảnh báo chúng ta về điều đó, Các Mác đã từng chỉ rõ, chỉ đến khi sức sản xuất của xã hội vô cùng phát triển, của cải trong xã hội tuôn ra như nước, và Lê Nin bổ sung thêm: đến khi con người đem vàng ra làm nhà vệ sinh, chỉ đến khi đó những người cộng sản mới có quyền ghi trên ngọn cờ của mình dòng chữ: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Bây giờ của cải trong xã hội, dù đã phong phú hơn, nhưng chưa thể thỏa mãn nhu cầu cho mọi người. Vì thế, lúc này chúng ta phải đặc biệt coi trọng vấn đề quản lý chặt chẽ và phân phối sao cho thật công bằng của cải của xã hội chúng ta.
Cuộc đấu tranh bài trừ tham nhũng không chỉ là cuộc đấu tranh hết sức lâu dài chống lại lòng ham muốn ích kỷ trong mỗi con người (nếu là tham ô, tham nhũng cá nhân), của nhiều người (nếu là tham ô, tham nhũng tập thể) mà còn là cuộc đấu tranh hết sức khó khăn nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế-xã hội, quản lý con người, vì mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đối với các chế độ xã hội khác, cuộc đấu tranh này vốn đã vô cùng khó khăn. Với chúng ta khó khăn càng thêm gấp bội, bắt nguồn từ những đặc điểm riêng của chế độ công hữu. Một khối lượng tài sản vô cùng to lớn của xã hội chúng ta từ đất đai, tiền vốn, ngân sách, tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng... là tài sản của tập thể, của xã hội, nghĩa là của công, nhưng trong ý thức của những con người đang trực tiếp quản lý những tài sản đó chưa phải ai ai cũng đã thấm nhuần tư tưởng “dĩ công vi thượng”. Nhiều người vẫn ngày đêm toan tính tìm mọi cách “chiếm công vi tư”; tìm cách đục khoét tài sản của đất nước làm giàu cho cá nhân.
Một số người khác tuy không tham ô, tham nhũng cho cá nhân mình nhưng lại thiếu trách nhiệm, buông lơi vai trò quản lý, để mặc cho của công bị lãng phí, thất thoát, để cho những kẻ khác mặc sức tham ô, tham nhũng. Nguyên nhân của tình trạng đó là vì tài sản đó là của nhà nước, là của công. Không ít ý kiến cho rằng ở nước ta số lượng tài sản công bị thất thoát do lãng phí và thiếu trách nhiệm còn lớn hơn do tham nhũng rất nhiều.
Một ví dụ rất tiêu biểu cho tình trạng trên là vụ tham nhũng quy mô lớn xảy ra tại Công ty Bảo hiểm PJICO. Nếu vốn của cơ quan Bảo hiểm PJICO là của tư nhân, hoặc đó là vốn góp của các cổ đông, chắc chắn đã không có ai lại dại dột tự nguyện đem chia đôi số tài sản 3,8 tỷ của mình cho phía có tàu bị cháy cả.
Trong bộ máy của chúng ta, đã và sẽ còn muôn vàn công việc mà bất cứ ai ngồi vào vị trí đó đều được quyền cấp, phát, để từ đó được quyền hưởng “lộc”. Nó là sản phẩm tất yếu của cơ chế “xin cho”, là hành vi mua bán, trao đổi trái phép tài sản, tiền bạc của tập thể, của nhà nước. Với cơ chế đó, dù là người không hề đòi hỏi, nhũng nhiễu, hạch sách nhưng vẫn được nhận sự biếu xén, cảm ơn bằng vật chất, tiền bạc. Đó là những người hoàn toàn không cố ý tham nhũng, tiêu cực, nhưng về bản chất, đó vẫn là sự chiếm đoạt của cải xã hội, một sự hưởng lợi bất chính mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ cơ chế quản lý tài sản công của chúng ta còn quá nhiều sơ hở.
Hiện tượng mọi người thường nói: “tham nhũng, lãng phí tràn lan”, là “quốc nạn”... không chỉ do nguyên nhân phẩm chất, đạo đức một bộ phận cán bộ, công chức sa sút, mà quan trọng hơn là do sự quản lý của chúng ta còn quá nhiều sơ hở, lỏng lẻo, dẫn tới tình trạng rất nhiều người, rất nhiều vị trí công việc dễ dàng chiếm đoạt tiền bạc của ngân sách, của nhân dân làm của riêng.
Từ sự bất công ấy, như một hệ quả tất yếu, cùng với các cơ chế, chính sách hiện hành, trong xã hội tự động hình thành một cơ chế ngầm, song rất có hiệu lực, để điều tiết lại thu nhập trong xã hội: Người có con đi học thì phải nộp thêm lệ phí; người vào bệnh viện phải có tiền bồi dưỡng bác sĩ, nhân viên y tế; người chạy xe ngoài đường thì phải lo lót cho cảnh sát giao thông; người xây dựng nhà thì phải chấp nhận phạt cho tồn tại; khi phải thanh tra, kiểm tra phải lo chạy vạy để có được văn bản kết luận giảm nhẹ tội cho mình. Khi phải ra tòa vẫn còn cố chạy để được trắng án hoặc được đưa vào khung hình phạt nhẹ...
Từ những hiện tượng xảy ra đơn lẻ, từng người, từng tổ chức nhỏ, xuất hiện sự móc nối với nhau thành đường dây, thành tổ chức khép kín để cùng nhau tham ô, tham nhũng, trở thành hiện tượng tham nhũng, tiêu cực tràn lan. Lại có cả những trường hợp chạy xin “côta”, dự án không phải cho cá nhân mà cho tập thể, nhưng vẫn vui lòng chấp nhận được biếu xén, hối lộ những người có chức, có quyền để cho tập thể cơ quan, địa phương mình được hưởng lợi từ vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, lại có cả không ít trường hợp kẻ gây nên tham nhũng là từ phía người chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tội... chứ không phải do đòi hỏi, ép buộc từ phía người có chức quyền.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân số một làm trầm trọng tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay là do năng lực, kinh nghiệm quản lý kinh tế-xã hội của chúng ta còn quá yếu kém, sơ hở. Nguyên nhân này đã làm tăng thêm số người tham ô, tham nhũng; làm lây lan sang cả số người tốt.
Chúng ta đang đứng trước tình hình, nhiều người luôn than phiền, lên án tham nhũng không tiếc lời nhưng lại rất ít chú tâm làm những điều thiết thực, cụ thể; nhiều người phê phán, lên án tham nhũng ở nơi khác, người khác nhưng không tự mình làm những việc thuộc bổn phận, trách nhiệm, quyền hạn của mình để góp phần bài trừ tham nhũng.
Vì những lẽ đó, Luật Phòng chống tham nhũng phải đặc biệt coi trọng các biện pháp tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát để tham nhũng, lãng phí không thể xảy ra; phải đặt lên hàng đầu các biện pháp đề cao tính dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động có liên quan đến quyền lực, tài sản, lợi ích, và mọi chế độ, chính sách có liên quan đến con người, tạo điều kiện để mọi người có thể kiểm tra, giám sát; sao cho có thể rõ ràng, rành mạch đến mức tối đa những cái gì được, được bao nhiêu và những gì không thể được.
Tiếp đến là các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng. Phải đề ra các hình phạt thật nghiêm khắc, không loại trừ ai, đồng thời phải xác định đây là cuộc đấu tranh hết sức gian nan và lâu dài.
Bình Minh