Phải tiếp thu ý kiến người dân thực chất hơn

(SGGP).- Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tham gia hội thảo “Tham vấn ý kiến về sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình xây dựng chính sách và pháp luật cho dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật” do Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ quốc hội), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc và tổ chức Oxfam tổ chức tại TPHCM mới đây.

Tại đây, các đại biểu cho rằng, tại Việt Nam, cơ chế khuyến khích người dân tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật không phải là vấn đề mới. Việc lấy ý kiến của nhân dân bao gồm cả các cá nhân, tổ chức, cơ quan hữu quan đã được thực hiện ngay cả đối với Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và những vấn đề có quan hệ với lợi ích rộng rãi của nhiều người.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các quy trình tham vấn người dân một cách hệ thống và việc tham vấn còn máy móc. Thực tế, việc lấy ý kiến người dân vẫn còn mang tính hình thức và có khá nhiều bất cập và hạn chế. Minh chứng cho sự bất cập này, GS-TS Đặng Hùng Võ cho biết, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi đưa ra lấy ý kiến nhân dân có quy định tại khoản 2 Điều 58 là “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, nhưng sau khi tiếp thu ý kiến người dân, bản dự thảo trình ra Quốc hội lại có thêm quy định tại khoản 2 Điều 54 là “Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”.

Ngoài ra, ông Đặng Hùng Võ cũng cho biết, có 2 vấn đề được góp ý nhiều nhất tại Luật Đất đai sửa đổi 2013 với khoảng 800.000 lượt ý kiến đó là: thay cơ chế Nhà nước thu hồi đất bằng cơ chế Nhà nước trưng mua đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội và phải xin phép Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất lúa, đều không được tiếp thu, trong khi có vấn đề chỉ có vài ý kiến nhưng lại được tiếp thu.

Từ đó, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến một cách thực chất hơn vì nếu chi tiền nhưng chỉ thực hiện một cách hình thức thì việc lấy ý kiến này không có ý nghĩa. Ngoài ra, theo ông Đặng Hùng Võ, sau khi tiếp thu ý kiến, các cơ quan liên quan cần phải giải trình rõ lý do tại sao ý kiến này được tiếp thu, ý kiến khác không được tiếp thu để người dân biết.

Bởi lẽ, nếu việc tiếp thu ý kiến không thực chất thì người dân sẽ không còn muốn tham gia đóng góp ý kiến nữa. Góp ý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đang được UB Thường vụ quốc hội chỉ đạo cho các cơ quan liên quan lấy ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2015), TS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải xác lập một cơ quan thẩm định độc lập có sự tham gia của các tổ chức xã hội song song với cơ quan Nhà nước thì việc tiếp thu ý kiến mới thật sự đạt kết quả.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục