Phạm Khắc - Ký ức thời gian

Phạm Khắc - Ký ức thời gian
Phạm Khắc - Ký ức thời gian ảnh 1

Phạm Khắc - tranh của Đặng Ái Việt.

Không giỏi tài đàn hát như Lê Văn Thảo, Phạm Minh Tuấn, là Phó đoàn Văn công Mỹ Tho nên khi dự lớp quay phim khóa I, Phạm Khắc là đội phó đội văn nghệ nghiệp dư Ban Tuyên huấn R.

Mỗi cuối tuần chúng tôi tụ họp tại hội trường lớn nghe đồng chí Trần Bạch Đằng nói chuyện thời sự chính trị, Phạm Khắc điều hành đêm văn nghệ, để chúng tôi tạm quên nỗi nhớ nhà.

Lớp trẻ ở R đến từ khắp mọi miền đất nước, từ thủ đô Hà Nội, miền Bắc, miền cực Nam Trung bộ, miền Đông Nam bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, học sinh - sinh viên Sài Gòn, thanh niên Việt kiều đến từ Phnôm Pênh... Là người điềm đạm, ít nói nhưng khi vào cuộc uống trà, người có nhiều mẩu chuyện vui thú vị góp nhặt trên đường công tác là Phạm Khắc.

Thuở nhỏ, Phạm Khắc học nghề chụp ảnh nhờ vậy được tuyển đi học “Lớp quay phim Điện ảnh Giải Phóng khóa I ở R”. Khi tốt nghiệp Phạm Khắc được giữ lại làm phóng viên chiến trường. Phim “Chiến thắng đồn Cây Điệp” (1963) là tác phẩm đầu tiên. Tiếp theo là các phim “Vài hình ảnh về Ba Tri”, “Chiến thắng đường 13”, “Chiến thắng Bình Giã”, “Đồng Xoài rực lửa” (cùng đạo diễn An Sơn), “Chiến thắng Tây Ninh”, “Chiến thắng trên đường phố Sài Gòn - Mậu Thân”.

Phạm Khắc thành công ở thể loại phim chiến trường. Hình ảnh trong phim Phạm Khắc không cầu kỳ, dễ hiểu, sống động, chân thật và độc đáo. Hình ảnh anh hùng Tạ Quang Tỷ đầu vấn khăn xước xung phong chiếm lĩnh xe tăng, bắt sống tù binh; hình ảnh con đường đông nghẹt đoàn xe bọc thép bốc cháy, bom đạn nổ đỏ trời với đoàn quân giải phóng xông lên trên đường diệt xe tăng giữa ban ngày, vác súng chiến lợi phẩm là của Phạm Khắc khi anh lao lên đối đầu với tháp pháo xe tăng giữa làn đạn lửa, dùng súng ngắn bắn hạ lính ngụy đang nã súng vào mình.

Phạm Khắc thông thạo chiến trường, tháo vát, giỏi săn bắn, biết gài bẫy thú rừng, lớn lên ở miền sông nước nên có tài bắt cá mò nghêu dưới suối, giỏi luồn rừng hái rau rừng, đào củ chụp củ mài nên những bữa cơm giữa đường hành quân có mặt Phạm Khắc thường thấm đượm “hương hoa”.

Giống như Hồng Sến, Phạm Khắc thích để tác phẩm cất lên tiếng nói, còn mình thì lặng lẽ sáng tạo, ẩn mình sau gò mối, gốc cây rừng, xông pha giữa làn đạn bom ghi những hình ảnh đắt giá nhất nêu bật chiến thắng quân dân ta. Sự việc ghi hình chớp nhoáng theo tôi là hệ quả quá trình suy ngẫm dài lâu, là kinh nghiệm sống và chiến đấu trước khi vào trận, là bản lĩnh nhà làm phim, phải được xem là tài năng nghệ sĩ.

Năm 1970, Phạm Khắc vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Hai phim “Cuộc đọ sức 5 ngày đêm”, “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” khẳng định tính nhạy bén, tinh thần dũng cảm của Phạm Khắc. Phạm Khắc còn là phóng viên quay phim ở Hội nghị Paris.

Tốt nghiệp lớp tu nghiệp đạo diễn truyền hình ở CHDC Đức, về TPHCM từ năm 1976 đến nay Phạm Khắc đạo diễn hơn 30 phim tài liệu như: Sư đoàn 9 anh hùng, Quân đoàn 4 tuổi 20, Lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long, Hòn đảo ngọc, Chuyện kể Yuk Sarết, Tiếng vọng đồng quê, Gặp lại Ấp Bắc, Khi đàn sếu trở về và bộ phim dài nhất “Mékong ký sự”.

Những kỷ niệm ở rừng thời trẻ chúng tôi không thể kể hết. Thời bình tôi cộng tác với Phạm Khắc nhiều phim (trong đó có phim “Chuyện kể Yuk Sarết”, đoạt Giải Bông sen Bạc LHP VN do Phạm Khắc đạo diễn, tôi viết kịch bản). Tôi làm phim “Bốn gương mặt xứ R” gồm bốn chân dung Phạm Khắc, Lê Văn Thảo, Phạm Minh Tuấn và Trang Phượng.

Trong ngày cưới hai anh chị lúc ở rừng, tôi viết tặng đôi tân hôn một bài thơ (bài thơ đầu tiên của tôi), không ngờ vợ chồng Phạm Khắc trân trọng cất giữ đến bây giờ. Khi ra mắt quyển “Phạm Khắc, ký ức thời gian”, Phạm Khắc tặng tôi quyển sách ảnh, giở sách ra tôi thấy có dòng chữ “Thân tặng Lê Văn Duy, kỷ niệm ngày cưới 28-6-1968. Phạm Khắc 2001”. Ôi, những tháng năm ở rừng, sao ân tình đến khó quên!

Phạm Khắc là người như thế. Thương yêu, quý mến bạn bè đồng chí, sống chân tình, điềm đạm, hòa nhã với tất cả mọi người. Tên anh sẽ còn được ghi nhớ mãi trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam... 

LÊ VĂN DUY

Tin cùng chuyên mục