Từ năm 1989 đến năm 1996, trong vòng 7 năm, Đồng Tháp 2 lần vô địch quốc gia để khẳng định uy thế của vùng đồng bằng. Nhưng cũng chừng ấy năm, từ năm 2001 đến năm 2007, Đồng Tháp có đến 3 lần xuống hạng. Năm 2001 rớt. Năm 2003 lên, đến 2005 lại rớt. Năm 2006 vừa lên thì chỉ trụ nổi có 24 vòng lại rớt. Đội bóng lừng danh một thời cứ lên xuống hạng như... đi chợ, đến nỗi chẳng ai trong đội bóng hiện tại dám nhìn lại quá khứ oai hùng của mình.

Những cầu thủ trẻ của Đồng Tháp lầm lũi rời sân chơi V-League khi sau lưng họ không có có gì “chống đỡ” để có thể làm lực đẩy.Ảnh : Nguyễn Nhân
Xét về độ lì lợm và kinh nghiệm, chắc chẳng ai qua được Đồng Tháp với chừng ấy danh hiệu và chừng ấy nỗi thất vọng. Vì thế, mỗi khi Đồng Tháp thăng hạng thì người ta chờ đợi sự trở lại của một thế lực cũng như hy vọng họ sẽ tạo nên sự cân bằng của vùng đồng bằng trên cán cân bóng đá quốc nội. Cứ xem mỗi lần thăng hạng của Đồng Tháp thì biết: năm 2003, họ lên hạng cùng ĐT.LA và HA.GL, toàn là những “đại gia”. Năm 2006, họ là nhà vô địch giải hạng Nhất. Đồng Tháp không có đối thủ ở giải hạng Nhất, vì với dàn cầu thủ tự đào tạo cộng với kinh nghiệm chiến trường, họ luôn biết vượt lên phía trước.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần lên đá V-League là xem chừng Đồng Tháp lại trở nên nhỏ bé so với chính mình. Có cảm giác như chiếc áo hạng Nhất thì quá chật còn chiếc áo V-League lại quá rộng. 7 năm qua, Đồng Tháp không tìm đâu được ông thợ may tài hoa để đo cho họ một chiếc áo phù hợp.
Như mùa bóng này, nếu nói Đồng Tháp không đủ sức chơi ở V-League thì quá phiến diện. 24 trận đã thi đấu, Đồng Tháp có đến 11 trận hòa, cao nhất trong số 14 đội. Họ cũng có số trận thua không phải là nhiều nhất (10 trận, xếp thứ 4 từ dưới lên). Chỉ có điều, họ lại là đội thắng ít nhất với chỉ 3 trận. Những trận hòa khẳng định Đồng Tháp là đội không yếu, nhưng họ “chết” vì số trận hòa quá nhiều ấy. Họ mạnh hơn các đội hạng Nhất, nhưng họ vẫn thiếu cái gì đó để trở thành một đội chơi được ở V-League. Cái thiếu ấy là gì?
Một con số khác: Đồng Tháp chỉ thủng lưới có 32 bàn sau 24 trận, tức trung bình không tới 2 bàn thua mỗi trận. Trong 32 bàn thủng lưới thì trận thua Bình Định 0-4 là nặng nề nhất. Nếu tính luôn cả trận hòa 2-2 vô nghĩa với Huế vừa qua, thì 22 trận đấu trước đó, Đồng Tháp chỉ thủng lưới có 26 bàn, một con số không tồi chút nào. Nhà vô địch Bình Dương thủng lưới đến 21 bàn. HA.GL thủng lưới ngang với Đồng Tháp (32 bàn). Rõ ràng, kinh nghiệm chiến trường là yếu tố giúp Đồng Tháp có thể tạo thế trận ngang ngửa với phần đông các đội V-League còn lại.
Nhưng họ chỉ ghi có 20 bàn thắng, ít nhất. Người ghi bàn nhiều nhất cho họ là Phan Thanh Bình, tiền đạo nội địa, tuyển thủ quốc gia nhưng rất yếu duyên “sát thủ”. Vậy là đã rõ: nếu như các chân sút nước ngoài chiếm đa số trong danh sách Vua phá lưới và chiếm 65% năng lực ghi bàn toàn giải, thì ở Đồng Tháp, họ chỉ chiếm có 40%. Vì sao Đồng Tháp không có những cầu thủ ngoại có chất lượng? Vì sao họ không “bắt chước” xu thế chung? Tất cả chung qui chỉ là tiền.
CÁNH ĐỒNG MỒ CÔI
Trong mắt một người lãng mạn, Đồng Tháp là một người hùng. Trong cái nhìn của kẻ thức thời, Đồng Tháp thật quê mùa. Còn trong đánh giá của một người thực dụng, Đồng Tháp hơi bị... dại. Thời buổi này, ai lại đem chất lãng mạn của hương lúa, của mùi bùn đất chân chất ấy vào sân chơi của tiền bạc? Đồng Tháp lên hạng, bê nguyên si cái mộc mạc của vùng đồng bằng vào V-League như một anh nhà quê chân chất giữa chốn thị thành khắc nghiệt.
Nếu Huế bị bất ngờ khi được thăng hạng đến mức không kịp chuẩn bị, thì Đồng Tháp quá dư thừa kinh nghiệm để biết mình phải làm gì. Nhưng họ vẫn mộc mạc như thế, vẫn sử dụng những tuyển thủ trẻ từ lò đào tạo của mình. Đồng Tháp đóng góp quân cho đội Olympic đông đảo không kém gì Bình Dương, nhưng khổ thay, những chiến binh ấy bị vắt kiệt sức lực trên cả 2 môi trường ở cái tuổi đôi mươi. Càng đá, Đồng Tháp càng sa sút tinh lực. Sa sút đến mức HLV Lại Hồng Vân không chịu nổi áp lực ấy phải nhường chỗ cho ông Đoàn Minh Xương, nhưng ngay cả con người quyền biến ngày nào cũng không thể “cãi” được thực tế.
Cỡ những người làm bóng đá lâu năm như ông Phạm Duy Tiến, Nguyễn Ngọc Phúc hay Phạm Anh Tuấn làm sao không biết đội mình thiếu cái gì. Cái thiếu duy nhất của Đồng Tháp là tiền. Không có tiền, không có bổ sung người. Nhưng người ta lấy làm lạ tại sao hồi đầu giải, Đồng Tháp cứ mãi theo đuổi hợp đồng tốn tiền tốn của với HLV đội tuyển Thái Lan Chanvit. Tại sao họ không dùng số tiền ấy để tuyển lựa các ngoại binh chất lượng? Người biết chuyện thì bảo rằng số tiền mời ông Chanvit là tiền tài trợ trọn gói cho chỉ riêng cái việc ấy, không phải tiền có sẵn trong túi CLB để muốn dùng làm việc gì cũng được. Đâm ra, dù mang tiếng sẵn sàng trả lương cao cho ông Chanvit, nhưng túi tiền của đội bóng thì vẫn còm cõi, nghèo túng.
Còn tại sao Đồng Tháp cứ mãi sống trong cảnh ăn dặm từng bữa, có lẽ là sự... mồ côi của những cánh đồng. Những cánh đồng ở vùng sông nước chỉ có nước lũ, lúa gạo, tôm cá. Những cánh đồng không có các khu công nghiệp trù phú, khói phun nghi ngút ngày đêm lên đầu trời. Khi mùa cá tôm, lúa gạo hết, cánh đồng trở thành... mồ côi, hoang vắng.
Đồng Tháp như cánh đồng ấy. Họ lạc lõng tranh đấu khi cả nền bóng đá đồng bằng sông Cửu Long sa sút. Họ như anh chàng Đông Ki Sốt cô đơn đối diện với những cối xay gió. Xung quanh Đồng Tháp là những cái tên một thời như An Giang, Tiền Giang... vẫn chìm mãi trong nỗi thất vọng.
HỒ VIỆT
Thông tin liên quan:
- Phần 1: Tiếng chim hót trong mưa