
Theo ý kiến của các tác giả thì sách giáo khoa THPT chương trình phân ban được viết theo tinh thần “tự học” của học sinh (HS). HS phải tự tìm hiểu bài trước, đến lớp GV chỉ đặt vấn đề để HS trả lời, thực hiện. Ý tưởng thật tốt nhưng thực tế cho thấy HS chưa đủ thời gian tự làm các việc trên ở nhà. Đối với HS vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, ngoài việc học ở trường các em còn kiếm sống phụ giúp gia đình.

Một tiết học của các em học sinh THPT.
Ở nội thành, nhiều HS còn phải lo… học thêm, luyện thi ĐH ngay từ lớp 10, lo học ngoại ngữ chuẩn bị du học; buổi tối về nhà vừa lo học bài, làm bài tập của 2 - 3 môn thì sáng hôm sau còn đâu sức lực tìm hiểu bài mới. Đến lớp, khi GV đặt vấn đề, nêu hoạt động, HS không trả lời được, GV phải đành… hoạt động thay.
Hậu quả, 1 tiết dạy sẽ kéo thành 2 - 3 tiết, rồi còn đâu thời gian để khắc sâu kiến thức, rèn luyện khả năng giải bài tập để khi kiểm tra đạt điểm tốt. Bằng chứng là trong đợt tập huấn tại Hà Nội vừa qua, đa số các trường đều nêu ý kiến không đủ thời gian để thực hiện chương trình, để rèn luyện kỹ năng.
Dường như giữa Vụ THPT và các soạn giả SGK thiếu sự phối hợp. Chẳng hạn như ở môn Toán lớp 11 có viết về “kỳ vọng, phương sai” nhưng trong bảng phân phối chương trình lại không có tiết dạy phần đó. Hoặc ở môn Vật lý lớp 11, các soạn giả viết nội dung dạy 4 tiết/tuần, sau đó cân đối số tiết giữa các bộ môn, Vật lý chỉ còn lại 2,5 tiết/tuần (theo lời giải thích của các soạn giả SGK).
Về môn tự chọn cũng nhiêu khê không kém vì áp lực điểm số (tính 1 cột điểm như 1 môn) nên nhiều HS chọn học môn dễ, nhẹ như thể dục… Riêng môn Toán, nhiều HS chọn các chuyên đề bám sát như hệ phương trình bậc 1, bậc 2 còn các chuyên đề nâng cao như vectơ, conic thì ít HS chọn học.
Điều chỉnh lại nội dung, chương trình, SGK để phù hợp với số tiết thực học, có sự phối hợp giữa người soạn phân phối chương trình và tác giả SGK, xem lại cách đánh giá HS, GV để tạo điều kiện tốt cho GV vừa phát huy được sự chủ động và hứng thú học tập của HS, vừa hoàn thành chương trình với chất lượng cao – đây là những đòi hỏi đặt ra từ thực tế mà ngành GD-ĐT cần sớm quan tâm, nghiên cứu.
LƯƠNG MẬU DŨNG
(Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Lê Quý Đôn)