Phân biệt trong phán xét

Vụ xét xử cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn tiếp tục trở thành chủ đề nóng trên các báo sau sự xuất hiện của Nafissatou Diallo, cô hầu phòng người Guinea - nhân vật lên tiếng tố cáo ông Strauss-Kahn có ý định cưỡng bức tình dục. Cũng chính vì sự xuất hiện bất ngờ của cô, vụ xét xử ông Strauss-Kahn thay vì diễn ra ngày hôm nay, 1-8, đã phải hoãn lại để tiếp tục thu thập chứng cứ. Không đào sâu về chuyện hậu trường vụ ông Strauss-Kahn, báo Le Monde đã có bài phân tích sự phân biệt trong phán xét qua các vụ án giữa đại diện các nước giàu và các nước đang phát triển.

Mở đầu bài viết, nhà báo Philippe Bernard cho rằng nếu cưỡng bức tình dục và mưu đồ chính trị là “thành phần cơ bản” khi nói về vụ án ông Strauss-Kahn thì nay kịch bản này có thể mở rộng sang một góc độ khác khi người ta nhận thấy rõ ràng có một khoảng cách rất lớn trong phân chia Bắc-Nam, sự rạn nứt của xã hội vì vấn đề nhập cư hay việc xã hội thông tin ở hai tốc độ khác nhau. Ở phương Tây, khi ông chủ của một thể chế tài chính bị một người nhập cư cáo buộc làm nhục, người ta coi đây là mưu đồ chính trị và pháp lý. Nhưng ở châu Phi lại xem đây là biểu tượng của sự xung đột giữa những người làm chủ thế giới và những người thuộc một quốc gia nghèo dưới quyền họ. Phương Tây dồn dập đưa tin về sự kiện này và chỉ sau vài giờ nó xuất hiện tràn lan trên các mặt báo. Còn ở Guinea nghèo đói không điện nước, điện thoại di động hay Internet, một tuần sau, Mamodou Diallo, anh trai của cô hầu phòng Nafissatou Diallo mới biết được “rắc rối” của em gái.

Còn nhớ, khi vụ án bắt đầu xét xử, Nafissatou được giới truyền thông cho rằng cô đích thị là một kẻ lừa đảo - vợ một tên trùm ma túy. Cô khai man lý lịch để được hưởng quy chế tị nạn chính trị tại Mỹ. Từ đó dẫn tới việc ông Strauss-Kahn được coi gần như vô tội trong vụ án. Hầu như không ai nghĩ lời tố cáo của cô là sự thật chỉ vì cô là một người nhập cư có lý lịch bất minh đến từ châu Phi.

Báo Le Monde khẳng định, nếu Nafissatou nói sự thật, cô sẽ trở thành một biểu tượng trong cuộc chiến chống lại sự xúc phạm mà phụ nữ châu Phi vẫn phải chịu đựng. Điều này còn phụ thuộc vào tương lai của lục địa đen. Nafissatou chỉ là một trong rất nhiều phụ nữ châu Phi buộc phải nhập cảnh trái phép để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn ở các nước giàu.

Cô cũng như bao nhiêu người đến từ châu Phi, không thể hòa nhập từ lối sống, phong cách trong xã hội hào nhoáng của phương Tây do sự khác biệt quá lớn về văn hóa. Vô tình hay hữu ý, họ bị buộc trở thành những tên tội phạm ngay trong những năm đầu khi mới di dân sang các nước giàu. Họ luôn luôn bị kết tội vi phạm luật nhập cư do các nước phương Tây coi đây là công cụ hữu hiệu để ngăn làn sóng nhập cư của châu Phi.

Chỉ trong vài tuần, “vụ án DSK” đã trở thành “vụ án châu Phi”. Nafissatou không chỉ là người phụ nữ châu Phi có dính tới đàn ông mà còn là một người nhập cư với một xã hội giàu có. Sự thực bất công hay mưu đồ chính trị? Vẫn chưa có kết quả chính thức cuối cùng. Thế nhưng, vụ án của Nafissatou được đánh giá là một bí mật được tiết lộ và xem như một khúc gãy gây ngạc nhiên trong bối cảnh thế giới còn tồn tại nhiều phân biệt trong hệ thống chính trị, pháp lý.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục