Phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - Liều thuốc giảm lãi suất

Vẫn vượt trần “đua” huy động
Phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - Liều thuốc giảm lãi suất

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01 phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo 4 nhóm. Trong đó, các ngân hàng thuộc nhóm 4 sẽ không được tăng trưởng tín dụng. Liệu giải pháp này có hạn chế được cuộc đua huy động vốn để từ đó có cơ sở giảm lãi suất cho vay?

Khách hàng gởi tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Cao Thăng

Khách hàng gởi tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Cao Thăng

Vẫn vượt trần “đua” huy động

Sau một thời gian được siết chặt, việc vượt trần lãi suất huy động 14% của một số ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang tiếp diễn. Anh Tuấn Minh (ngụ tại quận 5) đang được ngân hàng V. chi lãi suất 15%/năm từ cuối tháng 12-2011 đến nay.

 Anh Minh cho biết, trước đây ngân hàng này trả phần chênh lệch bằng hình thức trả lãi suất phạt trả chậm. Tức lãi suất trên sổ tiết kiệm của anh vẫn 14%/năm nhưng có thêm một phụ lục giữa ngân hàng và khách hàng thỏa thuận thêm điều kiện, nếu đến ngày đáo hạn mà ngân hàng trả chậm sẽ phải trả thêm cho khách hàng. Số tiền được trả thêm này tương đương với 1% lãi suất chênh lệch được thỏa thuận. “Hai tháng qua, nhân viên ngân hàng đã chi thẳng tiền mặt 1% chênh lệch cho tôi khi đáo hạn chứ không phải làm hợp đồng nữa”, anh Minh cho hay.

Chị Nguyên Sơn (ngụ tại quận 3) cho biết, chị đang gửi tiết kiệm 2 tỷ đồng tại ngân hàng T. với lãi suất 14%. Tuy nhiên, theo thông tin “rò rỉ” từ các nhân viên của ngân hàng này thì nhiều khách hàng vẫn có thể “thương lượng”. Tuần trước, chị thử gửi tại ngân hàng T. và được biết có thể “điều chỉnh” lên mức 16% - 17%/năm nhưng phải chuyển qua một chi nhánh của ngân hàng ở quận khác. Hình thức trả chênh lệch được ngân hàng lách bằng cách: khi gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ làm thủ tục nộp số tiền khống, tức là viết vào giấy nộp số tiền % chênh lệch tương ứng nhưng thực chất là không phải nộp tiền. Khi đáo hạn, số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của khách hàng.

Sở dĩ có tình trạng cùng một ngân hàng nhưng có chi nhánh thương lượng lãi suất tiền gửi, chi nhánh không là do mỗi chi nhánh được giao chỉ tiêu huy động khác nhau. Thậm chí nhân viên ở bất kể bộ phận nào, kể cả bảo vệ cũng được giao chỉ tiêu. Chính vì thế, để “chạy” chỉ tiêu, các nhân viên chi nhánh của các ngân hàng tìm đủ mọi cách để huy động vốn. Không chỉ các ngân hàng nhỏ, chị H., nhân viên một ngân hàng lớn, cho biết, mặc dù ngân hàng không cho nhân viên huy động lãi suất vượt 14% nhưng nếu huy động vượt chỉ tiêu 25-30 tỷ đồng trong 1 quý, sẽ được ngân hàng thưởng do vượt chỉ tiêu rất cao. Từ đó mới có chuyện các nhân viên trong cùng một ngân hàng, thậm chí một chi nhánh dùng đủ “chiêu” để lôi kéo khách hàng.

Tại sao tăng trưởng tín dụng giảm mà các ngân hàng vẫn tiếp tục huy động ào ạt? Theo một chuyên gia ngân hàng, mặc dù thời gian qua NHNN đã bơm một lượng tiền khá lớn để cứu thanh khoản cho thị trường nhưng “căn bệnh” thanh khoản này chỉ mới được giải quyết tạm thời chứ thực chất bên trong vẫn âm ỉ. “Các ngân hàng thương mại vẫn phải huy động một lượng vốn dự phòng nhằm bảo đảm an toàn về thanh khoản”, vị chuyên gia này cho hay.

Sẽ hạ nhiệt

Nhằm tăng cường giám sát hệ thống để thúc đẩy việc tái cấu trúc ngân hàng, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng theo 4 nhóm chứ không cào bằng như trước đây. Cụ thể, nhóm 1 được tăng trưởng tín dụng tối đa 17%, nhóm 2 tối đa 15%, nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng vì thuộc diện các ngân hàng phải cơ cấu lại. Ngoài mục đích tạo thêm cơ sở để tái cấu trúc, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, giải pháp này của NHNN cũng nhằm hạ nhiệt lãi suất đầu vào, hạn chế tình trạng lách trần lãi suất để huy động vốn của các NHTM nhỏ hiện nay.

“Mặc dù NHNN cho biết sẽ không công bố danh sách các ngân hàng yếu kém nằm trong nhóm không được tăng trưởng tín dụng nhưng các ngân hàng với nhau có thể khoanh vùng được ngân hàng nào thuộc nhóm 4 dựa vào mức nợ xấu trên thị trường liên ngân hàng” - một phó tổng giám đốc NHTM cho biết. Do các ngân hàng thuộc nhóm 4 không được tăng tín dụng, nên phải tập trung thu hồi vốn và cơ cấu lại nợ vì thu hồi được bao nhiêu thì mới có thể cho vay bấy nhiêu, từ đó áp lực huy động vốn để cho vay sẽ giảm bớt.

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho rằng, NHTM thuộc nhóm 4 không tăng trưởng tín dụng được thì không thể chạy đua huy động vốn nhiều vì không có đầu ra. “Trước đây khống chế trần lãi suất huy động 14%/năm, các NHTM tìm cách nâng mức huy động lên nhưng bây giờ giảm đầu ra rồi thì NHTM càng huy động càng nhiều rủi ro. Đây là giải pháp rất hay của NHNN vì lãi suất huy động không bị áp lực giảm từ NHNN nhưng về nhu cầu trên thị trường, lãi suất tự động sẽ hạ nhiệt, có lợi cho xã hội và đạt được mục tiêu của NHNN”, ông Toàn nói.

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục