Phiên thảo luận tại Quốc hội vào sáng nay 29-10 về tình hình Kinh tế -Xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012, có tới bốn Bộ trưởng đã đăng đàn. Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31-12-2010, nợ công của Việt Nam bằng khoảng 57,3% GDP, ước năm 2011 là 54,6% và năm 2012 là 58% GDP. Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2012.
Không chủ quan, nhưng không nên quá lo lắng về nợ công
Trong phiên thảo luận sáng nay, 28-10, về tình hình kinh tế xã hội 2011, kế hoạch 2012, điểm khác biệt so với hai phiên thảo luận trước là có tới bốn bộ trưởng đã đăng đàn, giải trình thêm nhiều vấn đề với Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31-12-2010, nợ công của Việt Nam bằng khoảng 57,3% GDP, ước 2011 là 54,6% và 2012 là 58%. Đây là tính trên kịch bản tăng trưởng GDP 6%, còn 6,5% thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn đáng kể.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ phân tích, trong cơ cấu vay ODA của chúng ta thì vay thương mại chỉ có 7%, còn lại đều có thời gian cho vay dài, lãi suất rất ưu đãi. WB cho chúng ta vay 40 năm, ân hạn 10 năm với lãi suất có 0,75%/năm. Vay ADB thì thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%/năm. Nhật Bản cho vay cũng 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất chủ yếu cũng là 1%, một số khoản 2%/năm. Đây là điểm khác biệt so với nợ công ở các nước phát triển mà tỷ lệ vay thương mại rất lớn. Cách tính nợ công của nước ta hiện nay có khác so với nhiều nước và nếu tính theo cách như của họ thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ thấp xuống. Về cơ cấu nợ, nợ nước ngoài đang giảm, nợ trong nước tăng lên, đó là xu hướng tốt. Tuy nhiên, Chính phủ không chủ quan với vấn đề này.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bộ Tài chính đã xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến 2020, đang trình Chính phủ phê duyệt. Tình hình nợ công đang được cập nhật mỗi 3 tháng, 6 tháng; được Cục Quản lý nợ nước ngoài thuộc Bộ Tài chính theo dõi sát sao. Khoản chi trả nợ hiện mới chiếm 14-6% tổng ngân sách, trong khi theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là không quá 30%.
Tương tự, cách tính bội chi hiện nay cũng có sự khác biệt so với thông lệ: chưa tính trái phiếu Chính phủ, nhưng lại tính cả chi trả nợ gốc. Theo Bộ trưởng Tài chính, nếu tính theo thông lệ thì bội chi của ta năm 2011 chỉ ở 4,1%, nằm trong ngưỡng an toàn.
"Chúng ta không lạc quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng", ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Đại biểu Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cũng đã phát biểu trước Quốc hội về tình hình cắt giảm đầu tư công. Ông nhận định: các bộ ngành địa phương đã thực hiện nghiêm việc cắt giảm đầu tư công và chia sẻ cái khó của một số địa phương về việc phải dừng khởi công nhiều dự án đã giao kế hoạch từ cuối năm 2010, song đó là việc làm cần thiết đẻ thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giải trình thêm về cơ chế cắt giảm đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: Cắt giảm đầu tư công không phải là thu hồi vốn đã bố trí năm 2011 của các bộ ngành và địa phương về trung ương và thực tế là chưa cắt một đồng nào đã bố trí. Nhưng sẽ không cho kéo dài việc thực hiện dự án của năm 2010, không cho ứng trước vốn của năm 2012 và không cho phép khởi công mới các công trình để tập trung vốn cho các công trình có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm nay. Đến hết tháng 9 đã cắt giảm, điều chuyển 81.500 tỷ đồng và cắt hẳn 10% tín dụng đầu tư, không phát hành nữa. Do làm mạnh việc cắt giảm đầu tư công nên trong năm 2011 đầu tư xã hội chỉ đạt 34% GDP so với 42% của năm 2010 và 2009.
Liên quan đến những đề nghị tăng nguồn lực cán bộ công chức, cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở cũng như cải thiện lương, phụ cấp cho đội ngũ này, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu. Tuy nhiên, vấn đề cần được tính toán tổng thể để đảm bảo cân đối vĩ mô.
"Đội ngũ cán bộ công chức ở trung ương và cấp tỉnh hiện nay đã tăng 13,7% so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII, còn đội ngũ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn (kể cả bán chuyên trách, đã có sự vận dụng) khoảng 700.000 người", ông nói. Trước mắt, Bộ Nội vụ sẽ tập trung đề xuất về lương tối thiểu từ đó tiếp tục tính toán thang bảng lương cụ thể cũng như chế độ phụ cấp. Chế độ phụ cấp sẽ tính toán để đưa vào lương mới…
| |
Nhóm vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông cũng đã được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giải trình thêm với Quốc hội.
Nêu khái quát về các nhóm giải pháp cơ bản, lâu dài và trong ngắn hạn, ông Thăng nhấn mạnh: "Tất cả các giải pháp như đổi giờ làm việc hay sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế dần phương tiện cá nhân, đều không phải sáng kiến của Bộ mà đều đã có, nay chúng ta tiếp tục làm quyết liệt mà thôi. Nhưng giải pháp ấy có thể ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, mong được cử tri chia sẻ và cảm thông, để cùng đạt được mục tiêu lớn hơn vì lợi ích của toàn xã hội".
Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các bộ ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ trong ngành mình, địa phương mình vi phạm luật giao thông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình với kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội về việc Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng thuận, ủng hộ…
Tổng kết nội dung thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, kế hoạch năm 2012 và những năm tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 101 đại biểu đăng ký, 68 ý kiến đã phát biểu tại hội trường. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Phó Chủ tịch yêu cầu đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, góp ý trực tiếp vào các dự thảo nghị quyết để cơ quan chức năng hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.
Tăng cường kỷ luật ngân sách
Buổi chiều nay, 28-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.
Thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu cho rằng năm 2011 trong bối cảnh khó khăn, công tác thu-chi ngân sách năm 2011 khá tích cực, vượt thu lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải nghiêm túc đánh giá, như dự toán chưa chính xác, hiệu lực điều hành của Chính phủ chưa cao thể hiện trong việc chưa nghiêm trong cắt giảm đầu tư công.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) phát biểu: "Hy vọng Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ làm được như đã nói. Năm 2012, rất đồng tình với quan điểm của Chính phủ là ưu tiên đầu tư cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Trong các vấn đề an sinh xã hội, tôi đề nghị phân bổ chi ngân sách Trung ương năm 2012 cần ưu tiên chương trình giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề. Vì để thoát nghèo chỉ có thể có việc làm ổn định. Hỗ trợ giảm nghèo không nên cho họ con cá mà cho họ cái cần câu, đó là hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm”.
Nhiều Đại biểu cùng chung quan điểm cắt giảm đầu tư công là cần thiết, nhưng phải rà soát kỹ càng, thận trọng để cắt đúng và trúng, không cào bằng như hiện nay. Đơn cử như không nên cắt giảm đầu tư cho nông nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng cho thấy, việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải. Các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thực sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, trong khi nhiều dự án mới chưa thật sự cấp bách vẫn được khởi công, thể hiện chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Các dự án cắt giảm chủ yếu là các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc mới khởi công; các dự án chưa thực sự cấp bách, hoặc hiệu quả kinh tế thấp chưa được cắt giảm nhiều.
Từ thực tế này, Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và nhiều Đại biểu khác nêu rằng, cần nâng cao hiệu lực điều hành của Chính phủ, tăng cường kỷ luật ngân sách. Cần thu hồi toàn bộ vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ chi không đúng mục đích để chi cho an sinh xã hội.
Cũng theo Đại biểu Danh Út, công tác quản lý giá chưa đáp ứng yêu cầu. Còn hiện tượng tăng giá bất hợp lý ở lĩnh vực xi măng, phân bón, thức ăn gia súc... Chính phủ cần làm tốt hơn việc chấp hành quy định pháp luật về giá. Không để hiện tượng làm giá.
Theo Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), năm 2011, chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% (23.000 tỷ đồng) là mức tăng khá cao. Nếu đặt trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công thì việc tăng chi này so với dự toán là chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ về nguyên nhân nguồn tăng chi, thẩm quyền quyết định tăng chi đầu tư phát triển vượt so với dự toán.
Còn theo Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), năm 2011, hầu hết các địa phương thu vượt dự toán, cho thấy quá trình giao ngân sách dự báo không chính xác, hay tại Chính phủ không kiên quyết trong giao nhiệm vụ? Việc này cần đánh giá lại để tăng cường kỷ luật ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng cho rằng, cần làm tốt công tác hậu kiểm đối với công tác thu thuế, tránh thất thu. Điển hình nhất là tình trạng chuyển giá, kê khai thu nhập không đúng để trốn thuế hiện nay đang diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm còn bày tỏ nỗi lo ngại từ nay đến cuối năm việc tăng giá sẽ xảy ra dẫn đến nguy cơ lạm phát cao.
Hầu hết các đại biểu thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 với quan điểm tập trung, chống dàn trải, theo thứ tự ưu tiên: ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội; quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp ở 3 vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và 62 huyện nghèo; bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách; hạn chế tối đa các công trình mới; quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn.
Tuyệt đại đa số ý kiến hoan nghênh quan điểm của chính phủ là ưu tiên đầu tư cho con người. Nhưng theo Đại biểu Mã Điền Cư và nhiều đại biểu khác, năm 2012 tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25% như Chính phủ trình là rất tốt, nhưng mức tăng mà Chính phủ đề xuất vẫn thấp, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu. Đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp.
Có ý kiến đề nghị tăng lương để nâng chất đội ngũ cán bộ công chức của bộ máy hành chính, tránh tình trạng các công chức không làm việc hết giờ như hiện nay, thu nhập thì không bảo đảm nhu cầu cuộc sống, phải xoay sở nhiều, lãng phí chất xám của Nhà nước.
Ngoài ra, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) về việc nên lập một Ủy ban trợ giúp Chính phủ điều hành các doanh nghiệp Nhà nước vì hiện nay hiệu quả hoạt động chưa cao, thu ngân sách thấp so với nhiều lĩnh vực khác trong khi lại xảy ra khá nhiều tiêu cực.
ANH PHƯƠNG - PHAN THẢO