Phân cấp đến đâu?

Hôm nay 27-3, Hội nghị tổng kết 25 năm thực thi Luật Đầu tư nước ngoài được tổ chức với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng của dòng vốn này. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn tới cần quán triệt 4 yêu cầu cơ bản. Đó là tạo bước chuyển mạnh mẽ về thu hút FDI, từ coi trọng số lượng sang chất lượng; chú trọng các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng, phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia; chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

Trong khi hầu hết các nhà quản lý, cũng như giới chuyên gia dễ dàng đạt được sự đồng thuận về “4 xuyên suốt” này nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được phân tích, bàn thảo. Một trong số đó là câu chuyện phân cấp quản lý.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, một chuyên gia hàng đầu về FDI, phân cấp quản lý cho chính quyền tỉnh, thành phố nói chung là đòi hỏi khách quan của việc nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước, bởi quản lý là quá trình thu thập và xử lý thông tin để ra quyết định, trong khi hiện tại, tính phức tạp của nền kinh tế quốc dân đã gia tăng đến mức Chính phủ trung ương không đủ năng lực tiếp nhận khối lượng thông tin khổng lồ và xử lý kịp thời.

Từ quý 4-2006 đến nay, chủ trương phân cấp quản lý được thực hiện khá triệt để. Theo đó, trừ một số dự án chuyên ngành vẫn quy định như cũ, còn lại chính quyền địa phương và Ban quản lý được giao cấp phép hầu hết các dự án FDI. Các dự án có tầm quan trọng quốc gia mới phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Những thành công của chủ trương phân cấp là không thể phủ nhận. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2009, doanh nghiệp FDI trung bình phải chờ 2 tháng để gia nhập thị trường thì năm 2011 chỉ còn 43 ngày, thời gian cấp phép từ 60,9 ngày còn 49,5 ngày, đăng ký kinh doanh từ 48 ngày còn 20,8 ngày. Tuy nhiên, do xu hướng “cào bằng” trong phân cấp, 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM vẫn quá phụ thuộc vào nhiều quyết định của trung ương, trong khi một số địa phương lại chưa đủ điều kiện bảo đảm thực hiện tốt quản lý nhà nước sau khi phân cấp. Trong báo cáo về vấn đề này, đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ cũng thừa nhận, khi phân cấp đầu tư, hầu hết các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã không gửi hồ sơ dự án hỏi ý kiến các sở khoa học - công nghệ theo quy định. Do đó, trong trường hợp nhà đầu tư đưa vào nước ta những máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường… thì không có cơ chế để ngăn chặn ngay từ đầu, mà đợi đến khi hậu kiểm thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả!

Phải nhìn nhận rằng, công tác quy hoạch cho từng vùng, quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch ngành nghề cho địa phương chưa được hợp lý, dẫn đến tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư tràn lan, không tính đến nhu cầu thị trường, gây lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp là không ít. Hơn nữa, khi hệ thống pháp luật và chính sách chưa đồng bộ và đầy đủ như hiện nay, mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau về luật, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong vận dụng, thực thi.

Từ góc độ quản lý, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhiều lần phải lên tiếng phàn nàn rằng, cục không sao nắm bắt được tình hình đầu tư nước ngoài một cách chính xác, kịp thời! Diễn biến mới nhất là việc số liệu về FDI quý 1-2013 thay đổi đột biến. Cuối tháng 1-2013, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã hoàn tất các thủ tục quan trọng để chuẩn bị khởi công, bao gồm việc ký hợp đồng tổng thầu (EPC) và tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỷ USD. Không hiểu vì lý do gì, thông tin “tỷ đô” này đã không được cập nhật kịp thời? Báo cáo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho đến hết tháng 2 vẫn chỉ ghi nhận hơn 630 triệu USD vốn đăng ký!

Rõ ràng, phân cấp vẫn là chủ trương cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Vấn đề là để bảo đảm lợi ích quốc gia trong thu hút FDI thì cần tiến hành những cuộc điều tra, nghiên cứu với thái độ khách quan, khoa học để có phương án điều chỉnh hợp lý, vừa phát huy được tính sáng tạo của địa phương vừa bảo đảm tính thống nhất luật pháp, nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục