Phân cấp thu hút vốn FDI theo năng lực

Được dự báo gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn thu hút được 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó vốn thực hiện ước đạt hơn 4,6 tỷ USD.

Ở giai đoạn trước đó, số vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng kỷ lục, năm sau cao hơn năm trước, nên tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư xã hội tăng từ 14,9% năm 2005 lên 31,5% năm 2008. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi hơn, sau khi nước ta trở thành thành viên WTO.

Con số hơn 10 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng đầu năm cũng cho thấy, ngay trong bối cảnh khó khăn vẫn có những lĩnh vực, những khu vực kinh tế nước ta hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các cam kết đầu tư này thường hướng đến những dự án du lịch, bất động sản - những lĩnh vực có sức hút đối với đầu tư dài hạn - mà các nhà đầu tư nước ngoài thường “đặt chỗ” trước để đón đầu triển vọng phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý đến rủi ro tiềm ẩn. Theo nghiên cứu mới đây của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, một trong những chính sách đáng lưu tâm tạo nên rủi ro tiềm ẩn của FDI chính là việc phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng cho các địa phương.

Từ tháng 10-2006, chính quyền địa phương đã được trao gần hết quyền cấp phép các dự án FDI. Đây là bước đi đúng đắn nhằm tạo môi trường cạnh tranh giữa các địa phương. Nhưng điều đáng nói, trong thực tế 3 điều kiện tiên quyết để phân cấp quản lý đầu tư có hiệu quả đã bị xem nhẹ hoặc lãng quên. Đó là: năng lực của cơ quan được phân cấp phải đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ được giao; quyền được phân cấp phải gắn liền với trách nhiệm quyết định đã ra; phải có các chế tài kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Như vậy để chọn lọc được các dự án FDI phù hợp với lợi ích dài hạn của quốc gia, cần có bộ máy thẩm định, đánh giá dự án có năng lực. Bởi trên thực tế không phải địa phương nào cũng có đủ năng lực đánh giá dự án. Trách nhiệm việc ra quyết định phê duyệt dự án sai cũng ít khi bị truy cứu và không có biện pháp xử lý thích đáng. Điều này dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn trong các dự án đầu tư mới đăng ký 3 năm qua tại Việt Nam. Đó là nguy cơ “thổi phồng” về vốn và lợi nhuận; nguy cơ hủy hoại và gây ô nhiễm môi trường; nguy cơ không phù hợp với quy hoạch phát triển dài hạn...

Chẳng hạn lỗi “vỡ kế hoạch” của ngành công nghiệp thép đã được chỉ ra là do địa phương không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật khi thực hiện quyền cấp phép đầu tư. Tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp của các dự án sân golf cũng có nguyên nhân từ việc nhiều địa phương không dám “nói không” với những dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch phát triển.

Gần đây, một vấn đề được cho là “đại sự” nổi lên, đó là sự không chính xác trong thống kê số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư. Lần đầu tiên, có sự chênh nhau đáng kể giữa báo cáo tình hình thu hút FDI giữa trung ương và địa phương. Như việc phát hiện trong tháng 7 năm 2008, khoản chênh lệch về vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI giữa báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) và một số tỉnh miền Trung lên đến 3,8 tỷ USD.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải nghiên cứu để xem xét lại chủ trương phân cấp toàn diện như quy định hiện nay. Trước hết cần thay đổi nhận thức về vấn đề này. Cơ chế phân cấp cho các địa phương không thể giống nhau, phải tùy theo năng lực của chính quyền địa phương để có cơ chế thích hợp. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm tiếp tục thu hút, thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI trong thời gian tới.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH (Theo ĐTTC)

Tin cùng chuyên mục