
Nha Trang có khoảng 30 “lò” đào (nơi cung cấp đào cho các điểm karaoke) mỗi lò trung bình có 10 -16 đào.Từ 11g sáng cho đến khuya là giờ “làm việc” của các đào. Những câu chuyện dưới đây do tác giả nghe kể lại, tên tuổi đã có thay đổi.
Thử việc
Chị A. đã làm việc ở đây hơn hai năm, nói rằng chưa nơi nào làm đào sướng hơn ở Nha Trang. Chị A. bảo chẳng cần mang tiền bạc theo chi cho nhiều, chỉ cần mượn ai đó vài trăm ngàn dằn túi là được.

Minh họa: A.D
Đến nơi, việc đầu tiên là chị giới thiệu tôi với “chủ lò”. Gọi là chủ lò vì anh có nhiệm vụ điều chúng tôi ngồi bàn ở các quán karaoke trong thành phố.
Chủ lò của chúng tôi là anh Hồng, 37 tuổi, chuyên cung cấp đào cho hơn 10 quán karaoke trên đường Hoàng Hoa Thám và các điểm sang trọng trên đường Hoàng Văn Thụ, Tô Hiến Thành và cả các điểm karaoke của khách sạn 4-5 sao trên đường Trần Phú.
Bài học vỡ lòng tôi được dặn dò là muốn có tiền “bo” phải chiều khách. Tôi cũng được dặn là nếu khách có đụng chạm thì khách mới phấn khích, cứ chống đối khách thì thế nào cũng bị đuổi khỏi bàn. Bài học tiếp theo là phải “luyện” uống bia. Uống bia, khách vui mà chủ quán cũng vui.
Cuộc hành trình làm nghề ngồi hát cứ tưởng là ăn sung mặc sướng nhưng thật ra cũng lắm chuyện “cười ra nước mắt”
Theo quy định nghiêm ngặt của chủ lò, đúng 10g sáng chúng tôi đã phải có mặt để bắt đầu một ngày làm việc. Nếu ngồi bàn từ 1-2 giờ thì đóng tiền bàn là 10.000đ, thêm 2.000đ tiền điện thoại cho quán. Phải biết cách rút khỏi bàn nếu khách ngồi quá lâu, nếu không phải đóng thêm tiền bàn.
Chủ lò cũng dặn “trong cái nghề ngồi bàn dứt khoát không có chuyện nặng vì tình”. Anh nói: “Nếu móc tiền được thằng nào thì tốt, không thì thôi. Tụi mày làm nghề này, hôm nay thằng này ôm, mai thằng kia ôm thì làm gì có tình yêu”. “Nguyên tắc” làm việc rất rõ ràng: Khách ngồi bàn, mời đi ăn, mời uống cà phê hoặc rủ đi chơi cũng phải trả tiền đàng hoàng, không có chuyện… tình cho không biếu không.
Làm đào thì phải có điện thoại. Chủ lò mua cho ngay một chiếc điện thoại với giá “bán lại” là 2 triệu đồng (giá thực chừng triệu rưỡi). Tôi phải góp ngày 100.000đ.
Thân phận đào muốn tồn tại phải tuân thủ theo chủ lò. Các chủ lò lại cạnh tranh nhau nên không còn cảnh đào ở điểm tập trung tại nhà, khi quán gọi mới chở tới. Đào phải tập kết tại một quán cà phê cóc. Khi thấy một nhóm khách vào một quán nào đó thì cứ theo mà vào, nếu khách hoặc chủ quán đuổi thì đi ra.
Ngồi khách
Nghề ngồi hát, có khách quen còn đỡ, vì mình biết ý họ và họ cũng biết ý mình. Có khi là vì tiền, phải giả vờ âu yếm, nũng nịu và khách muốn “đụng” đâu thì phải… vô tư để lấy tiền “bo”. Khách càng đi khuya thì chúng tôi càng đỡ mệt, vì đa phần họ đã nhậu nhẹt ở một quán nào đó rồi, rũ nhau đi “tăng hai”.
Lúc này đã là bàn cuối nên không sợ uống bia, mà khách uống cũng chẳng bao nhiêu. Dọc đường HHT có quán rất ác, bênh khách chầm chầm. Họ bảo: “Không uống bia được thì đừng tới quán này”. Có quán tính tiền ăn gian, bảo mình đưa phiếu cho khách, khách phát hiện ra mắng đào xối xả.
Có nhiều trường hợp cười không được, khóc không xong khi gặp chính những người mình không muốn tiếp mà phải tiếp. Gặp mấy anh thợ hồ vừa đi làm về, quần áo còn dính đầy sơn, xi măng và bốc mùi mồ hôi, vậy mà cứ phải ngọt ngào “anh em”. Ngồi chán chê, khi “bo” họ bảo trả tiền quán hết rồi nên chỉ đưa 20.000đ. Có lần gặp một ông khách 67 tuổi, kêu bằng “bố” thì bị nạt: “Em kêu thế thì anh vào đây làm chi?”.
Chuyện phận đào ngồi hát còn nhiều. Chỉ chừng ấy chuyện cũng đủ hiểu về những thân phận...
Khuê Việt Trường