(SGGP).- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa ký quyết định ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình nhằm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp (DN), của tổ chức, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của TP.
Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020: Trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người; trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% DN lớn và 30% DN vừa và nhỏ trên địa bàn TP có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động; trung bình hàng năm tăng thêm 200 DN vừa và nhỏ triển khai áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động… Đặc biệt, TPHCM đặt mục tiêu 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý.
Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động của TPHCM giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, các dự án của chương trình đã chuyển tải được các nội dung về việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động, người sử dụng lao động trong việc ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tần suất tai nạn lao động chung dao động trong khoảng 1,45‰ - 1,96‰, trong đó tần suất tai nạn lao động chết người dao động từ 0,12‰ - 0,16‰, giảm vào cuối kỳ năm 2015 là 20% so với đầu kỳ 2011. ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, mua bán - lưu trú vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động. Mục tiêu giảm 5% trong các lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu.
Vấn đề đặt ra cho TPHCM đến năm 2020 là phải đánh giá đúng về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành người sử dụng lao động và người lao động; đồng thời tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách, chế độ và điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động.
GIA QUẢNG