Sau khi loạt bài “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ” đăng ngày 11 và 12-5, Báo SGGP đã nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia, cán bộ quản lý, giảng dạy cho đến người học nhằm đóng góp ý kiến để khắc phục những hạn chế trong đào tạo thạc sĩ hiện nay.
- NGUYỄN HỒNG NGA, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM): Cao học là đại học... nối dài
Trong 2 bài viết “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ” các tác giả đã nêu nhiều nguyên nhân về những tồn đọng của hệ đào tạo sau ĐH, nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là do đào tạo thạc sĩ không chính quy và học phí cho bậc học này không cao, thậm chí là rẻ.
Theo quy định của Nhà nước, học phí bậc cao học không được vượt quá 50% học phí đại học cùng cơ sở đào tạo, vì vậy học phí cao học chỉ trên dưới 7 triệu đồng/năm (333 USD). Với cách học không chính quy thì không thể đòi hỏi học viên cao học đọc tài liệu trước khi đến lớp vì họ cũng phải đi làm trang trải cuộc sống và tiền học. Người viết từng đề nghị học viên cao học đọc 1 bài viết bằng tiếng Việt khoảng 17 trang, nhưng kiểm tra chỉ có vài học viên đọc sơ qua vài trang đầu. Nếu chúng ta đào tạo tập trung thì chất lượng sẽ cải thiện thêm nhiều.
Đào tạo cao học cũng tạo ra một nguồn thu không nhỏ cho các trường đại học, vì vậy chẳng ai chịu nâng cao chất lượng, đòi hỏi học viên học căng. Mà học viên vì không chịu hoặc không có thời gian đọc tài liệu nên các bài giảng của giảng viên đa số là độc thoại một chiều giống như bậc đại học… nối dài. Lớp học cao học nhiều khi bố trí khoảng 100 học viên trong một giảng đường y như đại học.
Thực chất, dạy cao học đòi hỏi áp lực rất cao cả về học thuật lẫn kiến thức thực tế, tuy nhiên dạy cao học thù lao cũng chỉ hơn khoảng 50% đại học (bình quân khoảng từ 130.000 đến 150.000 đồng/giờ), nên giảng viên cũng không có động cơ để hoàn thiện bài giảng.
Vả lại, nếu giảng viên đòi hỏi quá cao thì học viên cũng không chịu nổi áp lực, cho dù học viên cũng muốn đi học để có thêm nhiều kiến thức (ngoài chuyện bằng cấp). Vấn đề này là tình thế lưỡng nan của học viên và giảng viên. Thử hỏi học viên đã đi làm 8 tiếng ban ngày, sau đó đi học ban đêm thêm khoảng 3 tiếng nữa liệu có thể tiếp thu bài giảng tốt không?
Tệ nạn “phong bì” mặc dù có nhưng không phổ biến ở TPHCM. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là có một số trường sơ hở để học viên cao học đưa luận văn đến nhà các thầy cô trong hội đồng. Đây là một cách làm vô trách nhiệm.
Theo chúng tôi, cách tốt nhất để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ là không học theo kiểu vừa làm vừa học mà học tập trung, học viên đi học phải có giấy phép đi học hay xin nghỉ việc để đi học.
- TS NGUYỄN TIẾN DŨNG Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Chưa có học bổng để khuyến khích người học
Đào tạo sau đại học nói chung và đào tạo thạc sĩ nói riêng có nhiều hạn chế cần phải giải quyết thì mới mong cải thiện và nâng chất của hệ đào tạo này.
Về chính sách, chúng ta chưa tạo được sự khuyến khích và nỗ lực cho những người đam mê học thuật muốn học lên cao hơn. Dễ thấy nhất là chế độ học bổng ở bậc đào tạo này không có. Đã vậy, với mức học phí theo kiểu “ai cũng học được” thì khó tạo được động lực thúc đẩy người học chú tâm đào sâu nghiên cứu. Mặt khác, ở nhiều đơn vị, đang tồn tại cơ chế cho cán bộ đi học nhưng trước thực tế lương thấp, vừa học vừa làm thì chất lượng khó đạt được.
Ở cấp quản lý, Bộ GD-ĐT ngoài việc nên chuẩn hóa, thống nhất các thông tư, quy định để tháo bỏ những rào cản đối với người học cần phải hướng đến đầu ra theo 2 dạng: 1. Đối với những học viên cao học không muốn học lên cao và đi sâu nghiên cứu thì không phải làm luận văn tốt nghiệp; 2. Đối với những học viên cao học muốn nghiên cứu, muốn làm nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ thì cho làm luận văn, đề tài tốt nghiệp.
Tóm lại, 2 vấn đề then chốt nhất để nâng chất lượng ở đào tạo sau đại học là đảm bảo đủ về người dạy và học phí, học bổng cho người học.
- Học viên cao học NGUYỄN THỊ LỆ HẰNG (khóa 8) ngành Văn hóa học Trường ĐH KHXH - NV (ĐH Quốc gia TPHCM): Người học phải xác định rõ mục tiêu, năng lực
Tôi cho rằng khi người học xác định được năng lực, mục tiêu rõ ràng thì sẽ giải quyết được hàng loạt những vấn đề tế nhị trong suốt quá trình học. Theo tôi, ai đó đi học vì lý do ra trường không tìm được việc làm nên mới đi học là chưa thỏa đáng. Nếu suy xét kỹ hơn, người đó sẽ thấy được lý do “không tìm được việc làm” là do bản thân người đó bị công việc chê, hay do chính người đó chê công việc. Một khi người học có mục tiêu học tập rõ ràng, thì chắc rằng quá trình học tập sẽ nghiêm túc. Và như thế, chuyện sao chép, tệ nạn phong bì tuyệt nhiên không có.
Bản thân tôi dù đã ở tuổi 40 nhưng vì yêu thích, muốn học hỏi thêm nhiều kiến thức, tôi đã sẵn sàng từ bỏ công việc tại một bảo tàng lớn ở TPHCM để thi tuyển vào hệ chính quy chuyên ngành Văn hóa học của trường. Và thực tế, tôi cũng đã từng bị phá sản làm luận văn vì đề cương luận văn chưa đạt, nhưng tôi cũng chưa tốn một đồng nào trong chuyện “phong bì” cho thầy cô hướng dẫn để viết lại đề cương mới. Do đó, chuyện “phong bì” có thể tồn tại ở đâu đó nhưng tôi nghĩ, nếu người học nào có suy nghĩ sẽ sử dụng “phong bì” đối với giảng viên thì tốt nhất là đừng nên đi học nữa.
- PGS-TS HUỲNH THANH HÙNG Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Ngoại ngữ là một trở ngại với người học
Tôi cho rằng chương trình đào tạo thạc sĩ hiện nay đã nhẹ hơn nhiều so với trước đây. Một số chương trình thạc sĩ đào tạo trong nước còn khó hơn cả nước ngoài. Riêng khối ngành kỹ thuật như ở trường tôi thì rất ít người học, đa phần là cán bộ được quy hoạch, cán bộ giảng dạy… Tuy nhiên, vấn đề hiện nay cần nói là mức lương cho những người có trình độ thạc sĩ không cao, hơn nữa học phí quá thấp nên chưa tạo động lực cho người học.
Một trong những trở ngại, hay đúng hơn là rào cản, đó là quy định ngoại ngữ. Tôi cho rằng chuẩn ngoại ngữ đầu vào và đầu ra như quy chế đào tạo thạc sĩ hiện nay là quá nặng và cần phải nghiên cứu lại yêu cầu này.
Thanh Hùng (lượt ghi)
- Bất cập trong đào tạo thạc sĩ