Bất cập trong đào tạo thạc sĩ

Bài 1:
Bất cập trong đào tạo thạc sĩ

Bài 1: Lượng nhiều - Chất ít

Một trong những định hướng phát triển của ngành giáo dục Việt Nam là tăng quy mô đào tạo sau đại học. Thực tế, quy mô đào tạo bậc thạc sĩ của rất nhiều cơ sở đào tạo đang bùng nổ mạnh mẽ về mặt số lượng nhưng những điều kiện trọng yếu để đảm bảo chất lượng lại luôn thiếu và yếu. Vậy nhưng vẫn ngày càng có nhiều người bằng mọi giá đi học thạc sĩ.

Hiện nay, nhu cầu đi học sau đại học để lấy tấm bằng thạc sĩ của nhiều người ngày càng tăng. Tuy nhiên, có không ít người đi học thạc sĩ như một cái phao vì tìm mãi vẫn chưa có được một việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.

Học viên cao học trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: Thanh Hùng

Học viên cao học trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: Thanh Hùng

Mong muốn đổi... vận

Tốt nghiệp ra trường năm 2008, loay hoay mãi vẫn chưa tìm được việc làm, cuối cùng P.Uyên đã đăng ký thi cao học ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM. Đồng cảnh ngộ với Uyên, T.T.Hương cũng tốt nghiệp ngành Địa lý của trường năm 2009, sau một năm trời ròng rã tìm việc làm nhưng bị “chê”, Hương quyết định đăng ký học cao học ngành Văn hóa học.

Chính các giảng viên đi dạy cũng ngạc nhiên vì năm nào đi dạy cũng thấy những gương mặt quen thuộc. PGS Phan Thu Hiền, Trưởng bộ môn Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho biết: “Nhiều năm đi dạy, tôi thấy có nhiều sinh viên học rất giỏi. Những em này học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Khi gặp tôi, nhiều em thú thật chẳng phải em ham học gì, mà là do không tìm được việc làm nên cứ tiếp tục học”.

Thực tế cho thấy, không ít sinh viên ra trường không tìm được việc làm vì nhiều nguyên nhân: Giỏi kiến thức hàn lâm nhưng thiếu kỹ năng thực hành; ngại khổ, sợ khó khi va chạm thực tế... Chưa kể, nhiều sinh viên không chấp nhận việc làm trái ngành.

Không tìm được việc làm, thôi thì đi học cao học, vừa oai, vừa có lý do chính đáng để tiếp tục được ba mẹ chu cấp mỗi tháng. Thậm chí không quan tâm xem ngành học đó có phù hợp với sở thích hay năng lực của mình không, chỉ biết rằng đi học thạc sĩ sẽ có cơ may… đổi vận.

Dù đã được cảnh báo trước rằng học cao học ngành báo chí rất tốn kém nhưng N.M. không nghĩ lại phải trả nhiều khoản tiền từ trên trời rớt xuống. N.M. ngao ngán kể: “Để lấy được bằng thạc sĩ báo chí thật không dễ dàng. Mỗi lần thầy cô từ Hà Nội vào đứng lớp hay tổ chức thi cử, phải thanh toán luôn chi phí khách sạn của họ. Sắp tới làm luận văn, nghĩ đến mà nao lòng, phải tốn thêm nhiều khoản tiền không nhỏ nữa”.

Chuyện “văn hóa phong bì” gần như là luật bất thành văn, ai đi học cao học đều hiểu và dù muốn, dù không, cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. L.T.N.Trinh, học ngành Văn hóa học, tâm sự: “Từ nhỏ đến lớn, mình còn chưa bỏ tiền ra mua món quà nào cho bố mẹ, vậy mà khi làm luận văn, phải đi o bế thầy cô, không quà cáp cũng phong bì bồi dưỡng”. Trinh cho biết, vừa qua, chỉ mới là báo cáo đề cương luận văn, có người đã gửi phong bì 2 triệu đồng.

Chuyện “văn hóa phong bì” gần như trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học viên cao học. Đây cũng là lý do vì sao nhiều học viên cao học khóa 11 (2010 - 2012), ban đầu nhiều người đăng ký học theo phương thức II (yêu cầu làm luận văn) nay xin chuyển sang học phương thức I (không yêu cầu làm luận văn).

Chất lượng đáng lo ngại

Trước khi đăng ký thi cao học, nhiều học viên khóa 10 và 11 Trường ĐH KHXH-NV lo lắng với môn tiếng Anh nhưng đến khi thực tế vào học, mọi người lại thấy môn học này quá dễ. N.B.T, học viên cao học khóa 11, cho biết: “Bài thi đầu vào nói là trình độ tương đương B, nhưng thực chất chỉ là A. Còn bài thi đầu ra, nói là trình độ tương đương C nhưng kỳ thực chỉ là B. Ngay cả các giảng viên tiếng Anh cũng cho rằng không dám ra đề vượt sức học viên”.

Không chỉ ở khâu tuyển sinh, đào tạo, việc tốt nghiệp cao học hiện nay cũng là điều đáng bàn luận. Chất lượng các luận văn phần lớn đều do công nghệ “xào nấu”. Hiện nay, trung bình một tiến sĩ khoa học được phép hướng dẫn 3 thạc sĩ và cứ như thế, chỉ vài năm, mỗi tiến sĩ - kể cả người vừa ra “lò” - có thể cho ra đời hàng chục thạc sĩ. Thậm chí có những luận văn được sao chép gần như hoàn toàn chỉ qua một năm mà không hề bị phát hiện.

Theo đánh giá của nhiều nhà giáo dục, trái với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, chất lượng đào tạo bậc học này đang có chiều hướng đi xuống. Tình trạng đổ xô đi học thạc sĩ đang trở thành trào lưu của nhiều bạn trẻ. Nhiều người cứ học… đại, sau một thời gian mới phát hiện mình không hề có khả năng. Mặt khác, hiện nay, quy trình đào tạo thạc sĩ của nhiều trường đại học vẫn theo kiểu hàm thụ vì phần lớn học viên cao học là người vừa đi học vừa đi làm.

Học viên cao học đang thực tập tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Ảnh: Thanh Hùng

Học viên cao học đang thực tập tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Ảnh: Thanh Hùng

Trong khi đó, ở các nước, thạc sĩ được đào tạo theo nguyên tắc học và tự nghiên cứu, trong đó phần tự nghiên cứu phải nặng hơn. Thời gian đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài ngắn hơn, số tín chỉ bắt buộc cũng ít hơn nhưng chất lượng đào tạo lại cao. Trong khi đó ở Việt Nam, một chương trình đào tạo thạc sĩ có quá nhiều tín chỉ nhưng chất lượng lại mỏng manh.

Thực tế cho thấy, dù áp dụng quy chế mới đào tạo thạc sĩ theo phương thức tín chỉ nhưng hiện nay nhiều trường đại học không có đủ đội ngũ giảng viên, cũng như điều kiện để tổ chức các môn học.

T.D.P.Loan, Học viên cao học khóa 11, ĐH KHXH-NV TPHCM tâm sự: “Đi học cao học mà tôi có cảm giác như học cấp 3, vẫn chép bài mỏi tay, có bảng tên và điểm danh từng buổi học”.

Anh Khoa


Bài 2: Chạy đua bằng cấp!

Phong trào đổ xô đi học thạc sĩ đã khiến cho chất lượng đào tạo của bậc học này đang có chiều hướng đi xuống và đáng báo động. Và để giải bài toán chất lượng cho đào tạo thạc sĩ thật không đơn giản…

  • 1 tiến sĩ hướng dẫn 10 luận văn thạc sĩ/năm

Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu nhất của những bất cập trong đào tạo thạc sĩ hiện nay nằm ở yếu tố con người (đội ngũ giảng dạy) và phương tiện (kinh phí, chương trình, cơ sở vật chất và quy chế đào tạo).

Minh hoạ: A. DŨNG

Minh hoạ: A. DŨNG

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban ĐH - Sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM), phân tích: Đào tạo thạc sĩ của VN về cơ bản đã theo kịp các chương trình đào tạo của thế giới, đặc biệt là về mặt học thuật. Tuy nhiên, sự liên thông giữa các bậc chưa rõ nét. Điều này được thể hiện ở chỗ chúng ta chưa thực hiện triệt để đào tạo theo hệ tín chỉ. Trong khi đó, đào tạo hệ tín chỉ được thực hiện tại tất cả các trường ĐH trên thế giới và nó đã minh chứng tính ưu việt trong quản lý của nhà trường, chủ động trong việc chọn lựa môn học, sắp xếp thời gian của các học viên.

Nhìn lại VN, chương trình đào tạo theo hệ tín chỉ lại chưa được áp dụng triệt để ở các trường ĐH. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình đào tạo chưa thể hiện tính liên thông từ cấp ĐH lên cao học và tiến sĩ… nên chưa đẩy mạnh mảng thực tập, thực hành.

Những hạn chế trên đã khiến chương trình đào tạo thạc sĩ của VN chưa được xây dựng theo hướng hiện đại và hòa nhập. Phân tích về chương trình đào tạo, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng: Chương trình đào tạo thạc sĩ có tổng số 50 - 55 tín chỉ. “Phần lên lớp, theo tôi, là nhiều (khoảng 45 tín chỉ trong một năm rưỡi), tương ứng với số tín chỉ bậc ĐH tích lũy trong cùng thời gian. Do đó, cần phải giảm thời lượng tín chỉ thực dạy xuống thấp hơn nữa, còn giảm đến mức độ nào, tùy thuộc vào từng ngành học”.

Ở một hệ đào tạo mang tính nền tảng cho bậc tiến sĩ, nhưng khâu trọng yếu là chương trình lại nặng về “học” hơn “hành” thì ở phương pháp giảng dạy cũng không thể nặng về “hành” được. Tại các trường ĐH VN, phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy dù được vận động đổi mới nhưng nhiều năm qua vẫn giẫm chân tại chỗ. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?

Thực tế, vấn đề giảng viên luôn là bài toán khó do quy mô đào tạo luôn vượt ngoài năng lực hiện có của các cơ sở đào tạo. Hơn nữa, dù người thầy có quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng cơ sở vật chất chưa theo kịp thì cũng chỉ “lực bất tòng tâm”. Chính vì thế, trước thực tế người học quá đông, người dạy ở bậc đào tạo này không còn cách nào khác là chỉ tập trung giảng nhiều lớp, hướng dẫn nhiều luận văn tốt nghiệp. Một PGS phụ trách công tác đào tạo sau ĐH tại một trường ĐH lớn tại TPHCM đưa ra dẫn chứng rất thực tế: Một giảng viên có học vị tiến sĩ có thể hướng dẫn khoảng 10 đề tài thạc sĩ (chưa kể các luận văn ĐH) trong vòng một năm, và như thế có thể khẳng định “không thể có chất lượng cho các đề tài luận văn tốt nghiệp”.

  • Dạy thật và học thật

Yêu cầu đối với chương trình đào tạo thạc sĩ và đối với người học là phải được bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học ở ĐH, hiện đại hóa những kiến thức chuyên ngành, tăng cường kiến thức liên ngành, có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành đào tạo. Như vậy, được nhận tấm bằng thạc sĩ, người học phải có đầy đủ sự tự tin, tinh thần độc lập trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, số người đi học thạc sĩ nhằm lĩnh hội kiến dường như quá ít so với lượng người học vì mảnh bằng.

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ băn khoăn: Chúng ta vẫn đang dạy và học theo quán tính, thầy dạy sao trò nghe vậy. Hệ quả người thầy chỉ luẩn quẩn xoay quanh giáo trình mình có, người học cũng chỉ học những gì thầy dạy trên lớp lẫn trong giáo trình. Để thay đổi được sự “luẩn quẩn” này, nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng phải thay đổi, nâng chất nhiều yếu tố mà trong đó nhất thiết phải có sự liên thông giữa các bậc học. Cụ thể hơn chính là phải hội đủ yếu tố con người lẫn phương tiện cho công tác đào tạo.  

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được đặt ra là chi phí đào tạo với yêu cầu chất lượng. Trong khi chi phí đào tạo quá thấp, kèm với điều kiện cơ sở vật chất ở các trường ĐH của VN còn thiếu và lạc hậu thì chúng ta khó đòi hỏi chất lượng cao được… Đã vậy, không chỉ Bộ GD-ĐT mà nhiều bộ, ngành khác cũng đưa ra nhiều quy định, điều kiện tuyển dụng mà trong đó điều kiện cứng “phải có trình độ thạc sĩ”. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến cuộc chạy đua bằng cấp, bất chất chất lượng.

Minh chứng thêm về quan điểm này, PGS-TS Đỗ Văn Xê cho biết: Rất nhiều người học thạc sĩ nhằm đạt “những tiêu chuẩn” để sắp xếp, bố trí vị trí công tác mà cơ quan, đơn vị đã bổ nhiệm. Theo học vì mục tiêu “giữ ghế” thì nguy cơ bằng thật học giả và lãng phí tiền ngân sách là khó tránh khỏi

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục