Phản hồi loạt bài “Thảm họa” thiếu điện - Cải tổ đồng bộ ngành điện

Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH: EVN cần minh bạch vốn đầu tư

Sau bài “Thảm họa” thiếu điện: Kìm hãm tăng trưởng, đăng trên Báo SGGP số ra ngày 14-12, nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp tiếp tục tham gia “mổ xẻ” quanh việc thiếu điện gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống nhân dân.

Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH: EVN cần minh bạch vốn đầu tư

Loạt bài “Thảm họa” thiếu điện số ra ngày 6-7-8 tháng 12 đã lột tả rõ nét vấn đề thiếu điện hiện nay càng trở nên vô cùng gay gắt và gây tác hại rất lớn đối với nền kinh tế. Tình trạng thiếu điện xảy ra triền miên không những hạn chế sản xuất trong nước mà từng có trường hợp “đuổi” nhà đầu tư, khách nước ngoài ra khỏi nước ta. Đơn cử, trường hợp đuổi khách du lịch ra khỏi khách sạn tại tỉnh Khánh Hòa vì mất điện mùa khô vừa qua… Tôi rất ngạc nhiên với quy hoạch ngành điện hiện nay. Khi chúng ta làm quy hoạch mất rất nhiều công, nhưng đến khi triển khai lại thiếu nước, thiếu than, thiếu khí… Vấn đề này cần phải xem xét lại một cách thấu đáo, có hệ thống.

Để hạn chế thực trạng thiếu điện trầm kha hiện nay, phải có biện pháp cải cách một cách đồng bộ. Cụ thể, phải cải cách cả bộ máy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trước mắt, cải cách quản lý và có giám sát các chi tiêu. Bởi vì, trong khi hiện nay đầu tư vào ngành điện đang rất thiếu vốn thì ngành điện lại đi đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như khách sạn, nhà hàng, bất động sản… Mặt khác, để thu xếp được vốn cho ngành điện cần phải công khai minh bạch. Vì vậy, một mặt chúng ta phải điều tra kỹ giá điện và tăng giá một cách hợp lý để ngành điện có thể kinh doanh có lãi. Nhưng để đảm bảo dòng tiền được sử dụng một cách hiệu quả và tránh đầu tư ngoài ngành theo lợi ích nhóm, phải có trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch hơn.

Trong thời gian tới, cần thu hút nguồn đầu tư bên ngoài EVN mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Tuy nhiên, trách nhiệm chủ đầu tư phải được đề cao. Nếu chủ đầu tư thực hiện tốt, sẽ làm gương cho các nhà đầu tư bên ngoài. Bên cạnh đó, phải xem xét lại một cách toàn diện các vấn đề đối với nhà thầu Trung Quốc. Những gì họ không làm được phải có thái độ một cách sòng phẳng. Vì sao họ chây ì, làm chất lượng công trình thấp, nhà máy nhiệt điện vừa đưa vào hoạt động được mấy bữa lại phải sửa chữa, nhưng chúng ta không có cách gì đối với họ? Muốn sửa điều này phải bắt đầu từ EVN, phải được giải quyết một cách căn cơ, có hệ thống và toàn diện bằng cách cải cánh theo hướng cạnh tranh, minh bạch; thực hiện trách nhiệm giải trình, sử dụng vốn… cụ thể, rõ ràng.

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN: Xem xét khả năng cung ứng điện khi cấp dự án

Đối với các dự án thép nói riêng và các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khác nói chung, trước hết phải lưu tâm đến vấn đề năng lượng. Hiện nay Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng cho sản xuất trong nước và cho sử dụng của người dân. Đầu tư các dự án công nghiệp lớn đòi hỏi sử dụng nhiều điện, liệu chúng ta có đủ điện để cung cấp không. Tôi không hiểu Việt Nam có cam kết sẽ cung cấp đủ điện cho những dự án này hoạt động không, nếu ta đã cam kết mà sản lượng điện không đủ cung cấp sẽ dẫn đến việc phải cắt điện của các khu vực khác, của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và của người dân. Đầu tư mới để tăng nguồn cung cấp điện cũng sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Liệu khi phê duyệt các dự án lớn có sử dụng nhiều điện, các cơ quan chức năng đã tham vấn ngành điện chưa. Do đó, chúng ta phải rất thận trọng trong các cam kết, không nên bị ràng buộc về đảm bảo cung cấp năng lượng.

Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt ĐỖ DUY THÁI: Dự án thép ngoài quy hoạch gây khốn đốn ngành điện

Ngành thép bị “điểm mặt” là lĩnh vực tiêu thụ điện nhiều nhất. Đối với dự án thép nằm trong quy hoạch thì có cân đối điện, nhưng với tình hình phát triển tràn lan vừa qua, những dự án thép “chui”- nằm ngoài quy hoạch đã gây cho ngành điện khốn đốn. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra là ngành thép phải tự lo điện thì cần xem xét lại. Chúng ta chỉ nên yêu cầu các dự án thép có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt các dự án nằm ngoài quy hoạch ngành thép đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, buộc các dự án này phải tự cung cấp điện. Có như thế mới tạo công bằng và tăng sức cạnh tranh cho các nhà máy thép thương hiệu Việt, góp phần xây dựng thương hiệu thép cho Việt Nam.

 PVN sẽ phát hết công suất nhiệt điện trong mùa khô 2011 
 

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Nguyễn Quốc Khánh cho biết: PVN sẽ lùi mọi công việc bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy nhiệt điện và đường ống vận chuyển khí để góp phần đảm bảo điện trong 6 tháng mùa khô 2011 với dự báo hệ thống điện quốc gia sẽ thiếu hụt tối đa 1,4 tỷ kWh điện. PVN cũng đã hoàn thành kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng năm 2010 cho 3 nhà máy nhiệt điện khí gồm: Cà Mau 1 và Cà Mau 2 (tổng công suất 1.500 MW) và Nhơn Trạch 1 (công suất 450 MW) để đảm bảo an toàn kỹ thuật cho việc phát điện với sản lượng cao trong mùa khô tới theo lịch huy động cụ thể của EVN. Năm 2010, tổng sản lượng điện PVN phát lên lưới quốc gia sẽ đạt 12,5 tỷ kWh, vượt 23% so với kế hoạch được giao. Dự kiến, sản lượng điện của PVN cả năm 2011 vẫn giữ mức 12,5 tỷ kWh.      

 L.Thiện

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục