Sau khi loạt bài “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ” đăng tải (ngày 11 và 12-5), Báo SGGP tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc, có ý kiến ủng hộ, có ý kiến phản đối về những vấn đề nên trong bài báo. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP tiếp tục trích đăng những ý kiến, phân tích của các nhà quản lý, các giảng viên xung quanh vấn đề này.
- TS Trần Ngọc Khánh (Giảng viên Khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM): Lỗi tại ai?
Loạt bài “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ” mà Báo SGGP nêu không sai, vì giáo dục hiện nay ở nước ta đang trong quá trình “đổi mới”, nói rõ hơn là trong thời kỳ “ốm nghén”. Báo đã nói đúng khi nhìn nhận: “Quy mô đào tạo bậc thạc sĩ của rất nhiều cơ sở đào tạo đang bùng nổ mạnh mẽ về mặt số lượng nhưng những điều kiện trọng yếu để đảm bảo chất lượng lại luôn thiếu và yếu”.
Thực ra, chuyện bùng nổ mạnh mẽ đào tạo bậc thạc sĩ là điều đáng mừng. Còn cái thiếu và yếu những điều kiện để đảm bảo chất lượng là điều đáng lo, trong đó nên ghi nhận những nỗ lực rất lớn của các cơ sở đào tạo, nhất là các trường nhà nước, vì ít ra họ không nhắm mắt nhắm mũi đào tạo bằng mọi giá. Họ không lôi kéo, cũng không lừa phỉnh học viên.
Báo có thể cũng đã nêu rất trúng những thực trạng: “Chẳng phải em ham học gì, mà là do không tìm được việc làm nên cứ tiếp tục học; ngại khổ, sợ khó khi va chạm thực tế”; kể cả “kiến thức hàn lâm nhưng thiếu kỹ năng thực hành”.
Chuyện “nhân” nào “quả” nấy: Tôi thấy báo đã nói oan đối tượng con người: “Nguyên nhân chủ yếu nhất của những bất cập trong đào tạo thạc sĩ hiện nay nằm ở yếu tố con người (đội ngũ giảng dạy) và phương tiện (kinh phí, chương trình, cơ sở vật chất và quy chế đào tạo)”.
Đội ngũ giảng dạy, trong đó có thầy cô giáo, là bộ phận trực tiếp “chăm sóc” học viên. Đừng chỉ trích họ, vì hầu hết nếu không muốn nói là tất cả họ đều nhiệt tâm, yêu nghề và thương trò. Vậy thì lỗi tại ai? Tại sao không phải tại trò? Vì nếu các trò “quỷ ma” như quý báo đã nêu: “văn hóa phong bì”, “o bế thầy cô”, “phong bì bồi dưỡng”, “công nghệ xào nấu”, “mong muốn đổi... vận”... thì nguyên nhân bất cập hẳn là đã rõ.
Chuyện đời bất trắc, bài báo đã chỉ ra nhiều chuyện hư thực: Về phía người học: “Chất lượng các luận văn phần lớn đều do công nghệ “xào nấu”; có những luận văn được sao chép gần như hoàn toàn chỉ qua một năm mà không hề bị phát hiện”. Xin hỏi các chuyện này ở đâu và có bị làm ngơ không?
Về phía người dạy: “1 tiến sĩ hướng dẫn 10 luận văn thạc sĩ/năm”, nếu có, bao nhiêu chưa hẳn là chuyện, mà là thế nào? Giả dụ các luận văn ấy đều thông đạt, người học không kêu ca bị bỏ bê, thì trong cái “thiếu” chung có lẽ nên tuyên dương vị tiến sĩ ấy; còn nếu khẳng định “không thể có chất lượng cho các đề tài luận văn tốt nghiệp”, phải chăng hội đồng chấm luận văn đều bị “mua”?
Chuyện ở Khoa Văn hóa học, bài báo đã nêu nhiều thứ, song ai đọc cũng thấy nhức nhối do lối nói nửa chừng: “Chỉ mới là báo cáo đề cương luận văn, có người đã gửi phong bì 2 triệu đồng”. Chuyện đó có không? Số tiền này đủ lớn để người đưa và người nhận ra tòa theo Luật Phòng chống tham nhũng, không lẽ quý báo nói suông? “Quy trình đào tạo thạc sĩ của nhiều trường đại học vẫn theo kiểu hàm thụ vì phần lớn học viên cao học là người vừa đi học vừa đi làm” - Khoa Văn hóa học chưa dạy hệ hàm thụ, mà học hàm thụ có gì xấu? Tôi nghĩ cách học này cần được khuyến khích để đẩy mạnh xã hội học tập.
Chuyện con người: Bài báo nhắm vào thầy, cô giáo, song tôi thấy nên công bằng, vì để “dạy thật”, họ cũng “vượt khó”. Không chỉ mỗi ngày, mà có khi hàng chục năm, để soạn giáo trình cho dăm bảy buổi lên lớp. Không thầy, cô giáo nào không thích trò giỏi, tức là muốn trò “học thật”.
Tôi dám cam đoan các thầy, cô ở Khoa Văn hóa học, khi hướng dẫn hoặc ngồi tại hội đồng, họ lo nhất là chất lượng bảo vệ luận văn, họ sợ nhất là đánh rớt học viên. Họ đã từng “bịt tai”, “vượt rào” để được thảo luận với nhau trước khi “cho điểm” con người. Chuyện phong bì ư? Hơn một lần, khoa tôi đã mổ xẻ gắt gao, dù là nhỏ nhặt. Họ không vô cảm, đó là sự thật.
- TS Trần Văn Ánh (Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM): Phải bắt đầu từ khâu tổ chức quản lý
Trong loạt bài trên, tác giả nên có cái nhìn bao quát hơn sẽ phản ánh được toàn diện bức tranh chung về thực trạng của đào tạo thạc sĩ hơn là chỉ xoáy sâu vào một cơ sở đào tạo…
Thực tế hiện nay, nhu cầu đi học thạc sĩ là có thật và đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để hạn chế những vấn đề bất cập trong hệ đào tạo này, trước tiên chúng ta phải làm tốt từ khâu tổ chức đến quản lý. Nếu tổ chức tốt đội ngũ giảng dạy (đủ mạnh và giỏi về chuyên môn), chương trình, các điều kiện đảm bảo chất lượng thì chắc chắn quản lý đào tạo sẽ tốt. Nếu 2 khâu này đều làm tốt, chặt chẽ, nhất định chất lượng đào tạo thạc sĩ của chúng ta sẽ như mong muốn.
Về vấn đề “văn hóa phong bì”, tôi nghĩ có nhưng rất hiếm và nó chỉ xảy ra với những người học yếu kém và những cơ sở đào tạo không quản lý tốt. Riêng ở Khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), nơi tôi tham gia giảng dạy, là nơi được tổ chức và đào tạo có chất lượng, vấn đề “phong bì” khó xảy ra.
PV
- Phản hồi “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ” - Cần xóa rào cản với người học
- Bất cập trong đào tạo thạc sĩ