Đế chế Barca của Frank Rijkaard đã thống trị La Liga trong hai năm qua và nó được dự báo sẽ còn kéo dài nữa. Vậy hy vọng gì ở mùa giải 2006-2007 khi mà những đội bóng (Real Madrid, Valencia hay Atletico) bị ví là võ sĩ thách đấu đang cố bác bỏ lại những nhận định ấy bằng nỗ lực tăng viện cầu thủ của mình? Thế còn số phận của những đội bóng “thấp cổ bé họng” sẽ đi về đâu giữa một Liga khắc nghiệt và lắm hiểm trở này? Vẫn còn quá sớm để đưa ra một kết luận cụ thể, nhưng dường như đã có một sự phân nhóm rõ rệt giữa nhóm đội tranh chấp chức vô địch, nhóm rình rập cơ hội vươn lên và nhóm chỉ cố trụ lại Liga.
- Nhóm tranh chấp chức vô địch

Tiền đạo Gudjonhsen (trái), một trong 3 bản hợp đồng của Barcelona mùa này.
Không thể phủ nhận Real, Barca, Valencia và Atletico vẫn là những đội bóng gây sự chú ý nhất trong các thương vụ chuyển nhượng trước mùa giải. Với Barca, sự tăng viện ấy không những để vun đầy niềm tin vào những cuộc chinh phạt mới sau khi đã thực hiện cú đúp Primera Liga và Champions League, mà với đội bóng xứ Catalan cũng để chứng minh chuyện đi “mua sắm” của họ không thua bất cứ đối thủ nào, nhất là Real. Kém ai, thua ai chứ nhất quyết không thể thua Real. Đấy dường như là triết lý mãi mãi được những người khoác áo Barca ghi nhớ.
Bằng chứng thiết thực nhất là khi Real tuyển mộ 3 cầu thủ (Cannavaro, Emerson, Nistelrooy) thì Barca cũng đã có con số tân binh tương tự (Gudjohnsen, Thuram, Zambrotta). Sự đối nghịch muôn thuở giữa một Catalan phóng khoáng, yêu thích sự tự do và một Madrid quý phái chưa bao giờ có điểm dừng.
Nhưng hãy dè chừng nhé Barca, một khi những cuộc đón lỏng họ ở những chặng đường hiểm trở nhất đang bắt đầu trở thành mục tiêu hàng đầu của phần còn lại. Đặc biệt là mối đe dọa từ đại kình địch Real. Sau vụ “tiêu tiền” vào 3 bản hợp đồng ký với Gudjohnsen, Thuram, Zambrotta, trụ sở Casa Blanca của đội quân áo trắng lại chào đón một gương mặt mới mang tên Mahamadou Diarra. Sự hiện diện của tuyển thủ Mali này sẽ giúp tuyến tiền vệ Real trở nên chắc chắn hơn. Diarra – Emerson, những người được kỳ vọng và tự hiểu mình cần thực hiện gì cho Real, nhất là trước Barca.
Thế nên, Real vẫn sẽ là đối thủ số 1 của Barca trong cuộc chiến hướng đến danh hiệu cao quí nhất TBN. Đương nhiên, vẫn có ai đó ngờ vực về khả năng cạnh tranh của họ với lập luận “Real của Fabio Capello cần phải có thời gian để hợp rơ nhau”, nhưng hãy chờ đấy, chờ tiếng nói từ Real.
Chi bạo không kém Real là người anh em cùng thành phố Madrid với họ, Atletico Madrid - một thế lực từng có thời gian thống trị các danh hiệu tại Tây Ban Nha vào thập niên 60 và đoạt cả Cúp C2 năm 1962 đang trổi dậy rất mạnh mẽ. Atletico phải tìm lại được con đường vinh quang xứng đáng với một CLB giàu truyền thống và luôn là đối trọng với Real Madrid ở thủ đô của TBN đa diện văn hóa. Đấy là lý do vì sao họ mời ngay HLV Javier Aguirre (rất thành công với Osasuna mùa trước), sau đó là ký với hàng loạt cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ: Pernia (Getafe), Aguero (Independiente), Mista (Valencia). Tuy nhiên theo chúng tôi, Atletico chỉ có thể tạo nên những cú sốc cho Real, Barca mỗi khi đối diện với những đội bóng này, chứ để trở thành nhà vô địch mới họ vẫn chưa thật sự đủ lực.
Nhưng Valencia thì có thể. Bản hợp đồng 24 triệu euro vừa ký với cầu thủ chạy cánh Joaquin Sanchez từ Betis và trước đó với 3 cầu thủ: Morientes, Del Horno, Tavano, cho thấy khao khát của “Los Che” – (biệt danh của Valencia) cao đến độ nào. Có thể nói, sau Real, người ta đang kỳ vọng rất nhiều ở Valencia, một đối thủ sẽ khiến Barca không khỏi dè chừng.
- Nhóm chờ cơ hội
Sevilla, Villarreal, Celta Vigo, Osasuna, Deportivo, Bilbao là những đội khó có thể chen chân vào tốp trên, nhưng nếu sớm loại họ khỏi cuộc chiến sẽ là một sai lầm tệ hại một khi cuộc chơi chỉ mới bắt đầu. Tấm gương Osasuna có lúc đã đứng đầu Liga mùa giải năm ngoái trước khi kết thúc mùa bóng với vị trí thứ tư sẽ là động lực lớn cho tất cả. Sự thành công của Villarreal (lọt vào đến vòng bán kết Champions League) cũng sẽ là liều dopping tinh thần cho khát vọng vươn lên của nhóm này.
Một Liga mới mẻ, thú vị và nhiều tính cạnh tranh hơn đang được người hâm mộ trông đợi rất nhiều ở nhóm này bởi họ tuy không mạnh, không giàu có bằng Barca, Real hay Valencia, nhưng ở họ không thiếu quyết tâm tạo nên những trận cầu bất ngờ.
- Nhóm đặt mục tiêu trụ hạng
Có khoảng 9 đội trong nhóm này, trong đó có đến 3 đội mới thăng hạng (Recreativo De Huelva, Nastic Tarragona và Levante), 6 đội còn lại: Betis, Mallorca, Espanyol, Racing, Zaragoza, Getafe. Tất nhiên, họ không muốn rơi vào nhóm này nhưng bị hạn chế tài chính trong sự đầu tư, thật khó để kỳ vọng gì cao ở một giải đấu mà sự phân chia quyền lực đã được thể hiện khá rõ rệt, có lẽ họ đành phải co mình lại và chấp nhận với thực tế. Một thực tế có khi là đáng buồn nếu kết thúc mùa giải phải nói lời chia tay với La Liga.
Phân nhóm, đó là lẽ thường thấy ở mỗi giải đấu và La Liga không thể là giải đấu nằm ngoài qui luật ấy.
Nhưng dù ở nhóm nào đi nữa, tất cả đều phải chiến đấu bởi cuộc sống là sự vươn lên với nhiều hy vọng được gửi gắm, La Liga đang được kỳ vọng ở chỗ tất cả đều sẵn sàng và không muốn bị bỏ lại đằng sau.
Vậy hãy hy vọng...
NGỌC QUANG