Phân tích, so sánh đầy đủ CBA dự án phát triển đô thị trước khi ra quyết định

Việc không thực hiện hoặc thực hiện CBA kém chất lượng sẽ dẫn đến các hậu quả:
Phân tích, so sánh đầy đủ CBA dự án phát triển đô thị trước khi ra quyết định

Là một đô thị lớn có tốc độ tăng dân số và đô thị hóa khá nhanh, TPHCM đã, đang và sẽ được đầu tư mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng đô thị (bao gồm kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội) để đáp ứng nhu cầu phát triển. Theo thống kê sơ bộ, trong giai đoạn 1993-2014, nguồn vốn đầu tư công được sử dụng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị là hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm hơn 3/4 tổng vốn đầu tư công trên địa bàn TPHCM.

Hạ tầng đô thị TPHCM ngày càng hiện đại. Ảnh: THÀNH TRÍ

Với quy mô và tính chất như trên, việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội trước khi thực hiện các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng của các quyết định trong lĩnh vực đầu tư công theo hướng hợp lý hơn và minh bạch hơn; qua đó, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực công và nâng cao năng lực cạnh tranh của TPHCM so với các đô thị lớn khác trong khu vực. Phân tích Chi phí - Lợi ích (Cost  - Benefit Analysis, viết tắt là CBA) là một trong những công cụ được sử dụng trong phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công bằng cách so sánh tất cả chi phí và lợi ích kinh tế - xã hội (thường quy đổi thành tiền) do dự án mang lại. CBA thường được các chính phủ và tổ chức quốc tế sử dụng để xem xét phúc lợi cộng đồng mà một dự án đầu tư công có thể đem lại và xác định tính cần thiết đầu tư dự án này trên cơ sở cân nhắc hai chỉ số chính: Giá trị kinh tế hiện tại ròng (ENPV) và Tỷ lệ lợi ích/chi phí (BCR). Thạc sĩ Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết:

Từ thực tiễn của các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TPHCM và qua trao đổi thêm với các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ công chức liên quan đến thẩm định dự án công, chúng tôi rút ra một số nhận định chính về thực hiện CBA tại TPHCM như sau:

Các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TPHCM đều không thực hiện CBA hoặc chỉ thực hiện phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội một cách sơ bộ, trừ một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA;

Khi thực hiện CBA, các chi phí và lợi ích kinh tế - xã hội có giá trị trên thị trường thường được nhận dạng rõ ràng và định lượng cụ thể. Trong khi đó, các chi phí và lợi ích không có giá trị trên thị trường thực nhưng có thể được định lượng trên thị trường thay thế và thị trường giả định thường chỉ được nhận dạng sơ bộ và ít hoặc không được định lượng cụ thể.

Việc thực hiện CBA đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn TPHCM chỉ được thực hiện sau khi dự án đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, CBA gần như chỉ đóng vai trò thủ tục; có thể nói, trong các quyết định về đầu tư công, ý chí chính trị luôn là yếu tố tác động mạnh nhất và mang tính quyết định nhất.

Việc xác định suất chiết khấu xã hội khi thực hiện CBA đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn TPHCM chưa thống nhất. Do đó, không thể so sánh hiệu quả kinh tế - xã hội giữa các dự án đầu tư công.

Các nguyên nhân chính của việc không thực hiện CBA, không chỉ đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TPHCM nói riêng mà đối với các dự án đầu tư công tại Việt Nam nói chung, đó là:

Việc thực hiện CBA chưa bị bắt buộc bằng các quy định pháp luật cụ thể; hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công, chỉ có các hướng dẫn về thực hiện phân tích tài chính, phân tích kinh tế, đánh giá tác động môi trường trong các Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi; riêng việc thực hiện CBA đối với một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA phụ thuộc vào quy định của các nhà tài trợ;

Việc thực hiện CBA một cách đầy đủ và nghiêm túc thường tốn khá nhiều thời gian (từ vài tháng trở lên, có khi kéo dài hơn một năm) và kinh phí (vài trăm triệu đến vài tỉ đồng); đồng thời, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu của các chuyên gia, tổ chức tư vấn; do đó, vượt quá các điều kiện thực tế hiện nay của TPHCM;

Việc đánh giá thực hiện CBA gặp nhiều bất cập do chỉ có số ít cán bộ công chức làm công tác thẩm định dự án đầu tư công có kiến thức, kinh nghiệm nhất định về lĩnh vực chuyên sâu này; việc đánh giá thực hiện CBA cần có các hướng dẫn về nội dung, quy trình một cách rõ ràng và chi tiết để tránh sai sót khách quan và nhận định chủ quan.

Để thúc đẩy việc thực hiện CBA đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TPHCM; chúng tôi đề xuất các giải pháp:

Ban hành và áp dụng thí điểm “Danh mục các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TPHCM bắt buộc phải thực hiện CBA”; theo lộ trình sau:

Giai đoạn 2016-2025: bắt buộc thực hiện CBA đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật thuộc Nhóm A;

Giai đoạn 2020-2025: bắt buộc thực hiện CBA đối với các dự án hạ tầng xã hội thuộc Nhóm A;

Giai đoạn sau năm 2025 trở đi: bắt buộc thực hiện CBA đối với các dự án hạ tầng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thuộc Nhóm B.

Ban hành “Tài liệu hướng dẫn đánh giá việc thực hiện CBA đối với dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TPHCM” để hỗ trợ cán bộ công chức có trách nhiệm thẩm định dự án nhằm đánh giá việc thực hiện CBA đối với dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TPHCM, dành cho cả hai cấp: cấp lãnh đạo (cấp ra quyết định) và cấp chuyên viên (cấp đề xuất, tham mưu); nội dung tài liệu bao gồm:

- Hướng dẫn đánh giá việc nhận dạng các chi phí và lợi ích cốt lõi của dự án đầu tư công;

- Hướng dẫn đánh giá việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp định lượng;

- Hướng dẫn đánh giá hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư công.

Việc không thực hiện hoặc thực hiện CBA kém chất lượng sẽ dẫn đến các hậu quả:

° Không có cơ sở lựa chọn được phương án tối ưu về hiệu quả kinh tế - xã hội trong giải quyết các vấn đề của đô thị một cách khoa học và khách quan.

° Khó tạo được sự đồng thuận của xã hội trong việc ra các quyết định đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, nhất là đối với những dự án đầu có quy mô vốn lớn, nhạy cảm về mặt môi trường - xã hội, có những tác động kinh tế - xã hội chưa rõ ràng.

TÂM ĐỨC (ghi)

Tin cùng chuyên mục