Pháp: Dụng cụ học tập “xanh”

Pháp: Dụng cụ học tập “xanh”

Mùa khai giảng năm nay, một “làn gió xanh” đang thổi vào tất cả trường học ở Pháp: Các học sinh bắt đầu năm học mới với chiếc cặp “nhẹ hơn và xanh hơn”.

Ngay từ đầu tháng 7, Bộ trưởng Giáo dục, Xavier Darco đã có công văn yêu cầu nhà trường và giáo viên giảm thiểu danh mục dụng cụ học tập cần thiết mà cha mẹ và các em phải mua sắm trước khi tựu trường, khuyến khích ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.

Công văn nhấn mạnh: Nhà trường cần chuẩn bị cho các em để sau này trở thành người tiêu thụ có trách nhiệm bằng việc hiểu rõ công dụng từng món đồ cũng như tác động của chúng tới môi trường.

Pháp: Dụng cụ học tập “xanh” ảnh 1

Nhiều đồ dùng học tập ngày càng thân thiện với môi trường

Các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp đồ dùng học tập đã không chậm trễ chào hàng các “dụng cụ học tập xanh” thời thượng.

Nhà xuất bản L’Elan vert còn ra mắt hẳn một cuốn sách nhỏ tên “Tôi có một chiếc cặp sinh thái và những đồ dùng học tập thân thiện môi trường” mà các học sinh mới 5 tuổi cũng có thể đọc được, cắt nghĩa với các em về những vấn đề môi trường ở trường học.

Một số sản phẩm “xanh” tiêu biểu như “cặp tự nhiên” làm bằng da hoặc những loại vải sợi 100% tự nhiên, không dùng màu sắc có hóa chất; hộp đựng bút tái chế từ những đồ dùng bằng gỗ cũ...

Hãng HempAge có hẳn một “bộ sưu tập” các loại cặp sách, túi đựng bút, túi xách, túi đeo vai... làm từ sợi bông, sợi gai sinh thái. Loại cặp Big Schoolbag của hãng rộng rãi, nhiều ngăn, chắc bền, có thể đựng được sách khổ lớn. Túi đựng bút bằng vải còn giản dị hơn, có thể tự may lấy. Nhãn hiệu Nature & Découvertes có loại túi đựng bút độc đáo làm từ vải thu hồi từ loại bao bì gói thức uống...

Bút mực, bút máy từng một thời biến mất nay đang quay trở lại, thay thế bút bi. Hầu hết hãng sản xuất đồ dùng học tập lớn như Pelikan, Faber Castell đều có loại bút màu thay mực được. Khi muốn thay màu khác, chỉ cần nạp ống mực có màu mong muốn vào bút, góp phần giảm đồ phế thải gây ô nhiễm môi trường…

Các loại bút phớt “rửa được” có mực làm bằng nước hay với cồn, dùng màu thực phẩm, không chứa hóa chất độc hại. Học sinh được khuyên nên sử dụng bút chì bấm, góp phần tiết kiệm gỗ, nếu không thì dùng bút chì gỗ có dán nhãn “môi trường”.

Vở tập, giấy viết, giấy bọc sách... đều có loại làm từ giấy tái chế, chứa ít nhất 50% giấy thu hồi. “Thượng hạng” là giấy 100% tái chế, không khử mực, không tẩy màu, nên có màu kem hoặc màu xám. Giấy tái chế thường được dán nhãn chứng nhận theo tiêu chuẩn môi trường của châu Âu và các nước. Điều quan trọng hơn cả là học sinh biết sử dụng giấy hợp lý và tiết kiệm.

Danh mục các dụng cụ học tập thân thiện môi trường còn rất phong phú, như máy bấm giấy không dùng đinh bấm kim loại (giúp tái chế giấy dễ hơn, giảm nguy hiểm cho các em nhỏ), máy tính chạy bằng năng lượng mặt trời, pin nước (tiết kiệm năng lượng), cồn dán không chứa hóa chất độc hại, com pa bằng gỗ...

Các công ty bán hàng trên mạng còn chuẩn bị sẵn các “gói” đồ dùng học tập bao gồm những vật dụng cơ bản nhất, giúp cha mẹ và các em tiết kiệm thời gian, giảm đi lại. 

NHỊ BÌNH (theo Le Figaro)

Tin cùng chuyên mục