Dự án “Trường THCS Lê Văn Tám” và “Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 7”:

Không lắng nghe dân

Báo SGGP liên tiếp các số ra ngày 10-5 và 15-8-2007 đã thông tin về một số điểm bất thường của hai dự án “Trường THCS Lê Văn Tám” và “Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7”. Mới đây, thêm một lần nữa bỏ qua dư luận, bỏ qua các nguyện vọng rất hợp lý của người bị thu hồi đất, UBND Q7 đã tổ chức cưỡng chế giật sập nhà của 2 trong số các hộ dân có đất hợp pháp trong dự án. Hai hộ này là những người kiên trì khiếu nại và tiếp xúc với các cơ quan chức năng, báo chí, đại biểu Quốc hội (ĐBQH)…

Bỏ qua quyền lợi chính đáng của dân

Đã hơn ba năm từ khi biết đất của mình sẽ bị thu hồi để làm “Trường THCS Lê Văn Tám” và “Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7”, một trong những hộ dân có đất hợp pháp trong hai dự án trên, chị Quách Trương Minh Nga chưa bao giờ được “hiệp thương” đúng nghĩa với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q7 (BTGPMTQ7), bởi mỗi khi Ban đưa ra giá đền bù (200.000đ/m2), chưa bao giờ chị Nga đồng tình (xem Báo SGGP 10-5-2007).

Vì thế, chị Quách Trương Minh Nga và tất cả các hộ dân đều không ký nhận tiền đề bù, không ký tên bàn giao mặt bằng và không đồng ý với phương án đền bù gây thiệt hại quá lớn và liên tục khiếu nại. Thế mà bất chấp các thỉnh cầu hợp lý của người dân đề nghị hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp liền kề khu dân cư (Theo Quyết định 227/2005/QĐ-UBND của UBND TPHCM, bởi xung quanh hai dự án trên là các khu dân cư do chính UBND Q7 phê duyệt), ngày 6-9-2007, các lực lượng của quận 7 gồm khoảng 50 người đã cưỡng chế vắng mặt phần đất của chị Nga, kéo sập nhà và cưa đổ tất cả cây cối trong vườn.

Chị Quách Trương Minh Nga khóc tức tưởi: “Họ là người hiểu luật mà làm lách luật vì đất của tôi tiếp giáp các khu dân cư thì theo quy định tôi sẽ được hỗ trợ thêm 20%-50% giá đất ở. Họ không đứng về phía người dân, không đau với nỗi đau của chúng tôi mà còn vận dụng luật pháp để o ép người dân bị thu hồi đất. Vào tháng 11-2006, UBND quận 7 ra các quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, chúng tôi đã kêu cứu đến các ĐBQH (khóa XI) trước đây gồm ông Nguyễn Sinh Hùng, Trương Hòa Bình và bà Nguyễn Kim Thoa. Ngay sau đó, chúng tôi nhận được thông báo tạm hoãn cưỡng chế của UBND quận 7. Vậy mà mới đây, họ cưỡng chế, dù lúc đó tôi không có mặt ở nhà”.

Cán bộ “đóng thế” vai người dân

Cùng bị cưỡng chế chung với chị Nga còn có anh Phan Thanh Văn, người có đất trong dự án và cũng là người thường xuyên thay mặt các hộ dân khiếu nại. Ngay sau khi tiếp xúc với các ĐBQH (khóa XII) là Trần Đông A, Trương Thị Ánh, Bùi Hoàng Danh kiến nghị xem xét chính sách hỗ trợ theo diện đất nông nghiệp liền kề trong khu dân cư, anh Phan Thanh Văn cũng… bị cưỡng chế.

Xem xét lại toàn bộ quá trình, chúng tôi còn phát hiện ra một cái sai động trời hơn, đó là việc thay người vào Hội đồng Bồi thường. Theo Khoản 2, Điều 39, Chương VI của Luật Đất đai và Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về “bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” có ghi rõ: trong hội đồng bồi thường phải có đại diện của những hộ gia đình bị thu hồi đất (từ 1 - 2 người).

Thế nhưng UBND quận 7 đã thay người bằng cách cử ông Nguyễn Văn Sược vào vị trí đại diện của những hộ gia đình có đất bị thu hồi. Điều tra của Báo SGGP cho thấy ông Nguyễn Văn Sược nêu trên không phải là hộ có đất bị thu hồi. Hiện ông Sược đang ngụ tại phường Bình Thuận và là… cán bộ của Hội Nông dân phường!? Những việc làm khó hiểu, chưa minh bạch như vừa nêu trên chính là mầm mống cho các vụ khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. 

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục