Cổ phần hóa ở Tổng công ty VTNN

“Ve sầu” Trần Văn Khánh bắt đầu “thoát xác”

17.263,67m² ở giữa Sài Gòn chỉ có giá 3,8 tỷ đồng

Có thể nói việc xài sang ô tô vượt tiêu chuẩn của Trần Văn Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (VTNN) chỉ là giọt nước tràn ly. Ý đồ của Khánh dường như đã bộc lộ đầy đủ qua các phi vụ cổ phần hóa, mang tài sản, quyền lợi của tổng công ty đi trao cho các sân sau, đệ tử ở công ty cổ phần của mình. Khi tài sản công đã chuyển thành tư, cũng là Khánh đến tuổi nghỉ hưu, hưởng lộc!

17.263,67m² ở giữa Sài Gòn chỉ có giá 3,8 tỷ đồng

Công ty  VTNN III TPHCM là đơn vị  đầu mối tiếp nhận và phân phối phân bón cho khu vực Nam bộ của Tổng công ty VTNN. Công ty được triển khai cổ phần hóa từ năm 2002. Biết tài sản ở công ty lớn, nếu tổng công ty dùng số tài sản này để góp vào công ty cổ phần thì sẽ không đáng kể nên trước khi công ty tiến  hành cổ phần, Trần Văn Khánh đã rút 5 tài sản do Công ty VTNN III đang quản lý về tổng công ty. Trong đó có Kho A9 và trụ sở công ty ở 28 bis Mạc Đĩnh Chi,  quận 1, TPHCM có diện tích đất sử dụng 1.430m², diện tích xây dựng 924m² và giá trị còn lại chỉ 222 triệu đồng. Tổng 5 tài sản với hơn 17.263m² đất ở giữa Sài Gòn nói trên chỉ có giá 3,8 tỷ đồng! Trong khi theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Thẩm định giá miền Nam, năm 2004 thì giá trị quyền sử dụng đất chỉ với trụ sở 28 bis Mạc Đĩnh Chi và Kho A9 đã lên tới 69,6 tỷ đồng (!).

Khi nhận được 5 tài sản trên, Trần Văn Khánh lập tức góp vốn vào Công ty cổ phần Vàm Cỏ Đông (CP VCĐ) của Trần Văn Mười (được coi là sân sau của Khánh) mà không xác định giá trị góp vốn theo quy định. Nhưng do các tài sản trên liên quan đến sử dụng đất (hiện thuộc quyền của Công ty VTNN III), tổng công ty không thể chuyển quyền sử dụng, quyền thuê đất cho Vàm Cỏ Đông. Tháng 10-2004, Khánh đã đạo diễn  để HĐQT tổng công ty đồng ý, giao cho Khánh thực hiện việc góp 5 tài sản nói trên vào Công ty VTNN III, đồng thời giao cho công ty này góp 5 tài sản trên vào Công ty CP VCĐ (với giá 3,8 tỷ đồng). Để chắc ăn, đích danh Khánh đã ký công văn đề nghị  Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM cho phép chuyển hợp đồng thuê nhà 28 Bis Mạc Đĩnh Chi cho Công ty CP VCĐ và đã được chấp thuận.

Tiến trình tư nhân hóa đang thuận lợi thì bị một số cá nhân trong tổng công ty phát giác, tố cáo. Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc. Tuy nhiên, Khánh đã thay đổi chiến thuật, một mặt tổng công ty rút vốn góp từ Công ty VTNN III về, mặt khác Trần Văn Mười nhảy vào mua phần lớn cổ phần của Công ty VTNN III. Vậy là phần lớn tài sản của Công ty VTNN III đã rơi vào tay sân sau của Trần Văn Khánh.

Vốn cổ phần nhà nước đầu tư, lãi để tư nhân hưởng!

Đầu năm 2005, sau khi cổ phần hóa chi nhánh Hải Phòng (do ông Nguyễn Thiện Kế, em vợ Khánh làm giám đốc) thành Công ty cổ phần VTNN Hải Hà, tổng công ty quyết định bán cổ phần của mình là ngôi nhà 2 tầng trên 250m² mới xây 1 tỷ đồng, xe ô tô Toyota Camry trị giá trên 350 triệu đồng và toàn bộ  công cụ vừa mua sắm để lấy hơn… 1 tỷ đồng! Trong khi đó, hiện phần lớn người lao động của công ty đã được bố trí cho nghỉ theo quy định tại NĐ 41 và trợ cấp của tổng công ty.

Không chỉ chuyển tài sản cho sân sau, ngay cả những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao của tổng công ty cũng được Trần Văn Khánh tìm cách rút ruột. Một trong số đó là phi vụ ở Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ (Hải Phòng).

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng vào tháng 6-2007, Bộ Tài chính cho rằng, Công ty VTNN III đã sử dụng nhà 28 bis Mạc Đĩnh Chi để góp vốn vào Công ty cổ phần VTNN Vàm Cỏ Đông là trái phép. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ giao UBND TPHCM chỉ đạo Công ty Kinh doanh nhà thành phố chấm dứt hợp đồng cho thuê và thu hồi cơ sở nhà đất tại 28 bis Mạc Đĩnh Chi. Tháng 7-2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đồng ý với các kết quả kiểm tra và các biện pháp kiến nghị xử lý của Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm điểm trách nhiệm Trần Văn Khánh.

Công ty này thành lập tháng 12-2002, vốn điều lệ 100 tỷ đồng . Tổng công ty VTNN là cổ đông sáng lập góp 20 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ. Từ tháng 8-2004 đến tháng 6-2006, tổng công ty đã chuyển nhượng số cổ phần trên cho Công ty cổ phần VTNS (thành viên của tổng công ty, cổ  phần hóa từ 4-2006) bằng giá gốc, không đấu giá cổ phần theo quy định.

Do nhu cầu phát triển, Công ty Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ có nhu cầu phát hành cổ phần đợt 2 thêm 70 tỷ đồng  (lúc này cổ phiếu của công ty đã tăng gấp 2,3 lần so với mệnh giá gốc). Là cổ đông sáng lập nên tổng công ty được mua 14 tỷ cổ phần đợt 2 với giá gốc. Thế nhưng 3 ngày trước khi Đình Vũ ra thông báo cho các cổ đông được mua cổ phần đợt 2, Công ty CP VTNN Hải Hà do Nguyễn Thiện Kế đã có công văn gửi tổng công ty xin mua 14 tỷ cổ phần nói trên. Với lý do chủ trương và tổng công ty không có vốn mua tiếp nên Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh đã đồng ý với đề nghị của Hải Hà.

Trong khi đó, một số cán bộ tổng công ty cho biết vào thời gian đó, tổng công ty có nhiều nguồn thu đảm bảo cho việc mua cổ phần của Đình Vũ. Thậm chí, theo thời giá cổ phần lúc ấy thì với nếu vay ngân hàng mua rồi bán trao tay cũng lãi ngay từ 60 đến 70 tỷ đồng! Thế nhưng Trần Văn Khánh, với sự giúp đỡ của tay chân ở tổng công ty vẫn phớt lờ quyền lợi của Nhà nước, chuyển trái phép món lợi trên cho sân sau! Rõ ràng, ở tuổi 59, sau khi chuyển xong tài sản, lợi nhuận về sân sau, “con ve sầu”  Trần Văn Khánh có thể “thoát” khỏi “xác” Tổng công ty VTNN về hưởng lộc bòn rút được từ Nhà nước. Hiện cơ quan điều tra đang lật lại các phi vụ nói trên nhằm tránh bị tư nhân hóa, thất thoát tài sản nhà nước.

Nam Quốc

Tin cùng chuyên mục