Vụ tàu lửa húc 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai): Khởi tố vụ án

Vụ tàu lửa húc 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai): Khởi tố vụ án

* Tạm giữ hình sự 5 người trong kíp trực và 2 lái tàu

Như Báo SGGP đã đưa tin, vào lúc 19 giờ 34 phút ngày 6-2, vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc xảy ra tại Km 1.760+007, đoạn đi qua cầu Ghềnh khu gian Dĩ An - Biên Hòa, thuộc địa bàn phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) giữa tàu SE2 chạy từ ga Sài Gòn đi Hà Nội với 6 ô tô đang lưu thông trong lồng cầu Ghềnh. Vụ tai nạn đã làm 2 người chết tại chỗ, 24 người bị thương nặng và 6 ô tô bị hư hỏng.

  • Đối đầu trực diện

Nguyên nhân ban đầu: Do nhân viên gác cầu

Sáng 7-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, đồng thời tạm giữ hình sự 7 người có liên quan đến vụ án để điều tra. Đó là các nhân viên trong kíp trực, gồm: Trần Viết Hải, Nguyễn Văn Lương, Bùi Văn Thuấn, Trần Văn Thời (nhân viên gác chắn hai đầu cầu Ghềnh) và Vũ Chí Hương (nhân viên tuần cầu). Hai lái tàu D19E-961 là Nguyễn Văn Túy (lái chính) và Nguyễn Xuân Phú (lái phụ).

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này bước đầu xác định do nhân viên gác cầu chắn 3 và 4 đã thiếu trách nhiệm trong điều khiển đèn tín hiệu, để phương tiện lưu thông vào lồng cầu Ghềnh (tuyến đường sắt). Đây là vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại tỉnh Đồng Nai.

Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra hộp đen lưu giữ các thông số điều khiển đoàn tàu lúc xảy ra tai nạn và giám định mức độ thiệt hại của các phương tiện.

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai từ Km 1.699+715 đến 1.700+007 dành cho giao thông đường sắt và đường bộ cùng lưu thông. Theo quy trình vận hành giao thông qua cầu, khi tàu ở hai đầu ga Biên Hòa (phía Bắc) và Dĩ An (phía Nam) xuất phát, tín hiệu xin thông cầu sẽ được phát đi. Nhận được điện báo, nhân viên gác chắn hai đầu cầu lập tức yêu cầu các phương tiện dừng lưu thông trong lồng cầu. Khi trong lồng cầu không còn phương tiện nào lưu thông mới bật tín hiệu thông cầu để tàu chạy qua.

Ghi nhận tại hiện trường xảy ra tai nạn cho thấy, khi nhận được điện báo từ ga Dĩ An lúc 19 giờ 27 phút, nhân viên gác chắn 3 và 4 vẫn cho 6 ô tô di chuyển vào lồng cầu. Trong khi 3 ô tô từ phía Bắc qua gần hết cầu, thì 3 ô tô khác từ phía Nam di chuyển vào lồng cầu. Lúc này, mặc dù không nhận được đèn tín hiệu, song lái tàu vẫn cho tàu chạy thẳng vào lồng cầu.

Hậu quả là đầu xe lửa đã lao trực diện vào 6 ô tô, làm bẹp dúm ô tô tải nhỏ biển kiểm soát 60N-6520, khiến cha con ông Trần Ngọc Khải, sinh năm 1962 - điều khiển xe và em Trần Thanh Tuấn, sinh năm 1991 chết tại chỗ.

Một nhân chứng nhà gần phía Nam cầu Ghềnh cho biết, trước khi tàu qua cầu nhiều người đã nghe thấy tiếng còi tàu và sau đó vài giây là tiếng va đập rất lớn. Nhiều người dân lập tức lao ra cầu tìm cách đưa các nạn nhân cấp cứu.

Ông Lê Đăng Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Biên Hòa cho biết sau khi tai nạn xảy ra, ngành đường sắt đã cử phương tiện và cán bộ, nhân viên ở hai đầu ga xuống hiện trường khắc phục hậu quả. Toàn bộ cầu và hơn 300m đường sắt không bị hư hại gì. Đến 22 giờ 30 phút, 6 ô tô hư hỏng đã được đưa ra khỏi cầu và ngành đường sắt đã lập đoàn tàu mới để tiếp tục vận chuyển hành khách ra Hà Nội.

Chị Lan và chị Hòa đang được cấp cứu tại BV Chợ Rẫy chiều 7-2. Ảnh: Tg. Lâm

Chị Lan và chị Hòa đang được cấp cứu tại BV Chợ Rẫy chiều 7-2. Ảnh: Tg. Lâm

  • Bàng hoàng

Chiều 7-2, chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai gặp 11 nạn nhân đang điều trị tại đây. Nhiều người vẫn còn bàng hoàng trước vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đêm 6-2. Trong đó phải kể đến gia đình chị Đặng Thị Phượng (ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) với 7 người đi trên ô tô 7 chỗ biển kiểm soát 52Y-3266 đều bị thương, trong đó có mẹ chồng chị tên Lê Thị Núp bị thương nặng phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chị Phượng cho biết: Lúc xe đi qua gần hết cầu thì từ đằng sau xe lửa lao tới đâm sầm vào và mọi người bất tỉnh không còn biết gì. Một lúc sau, gia đình chị được người dân đưa ra khỏi xe đưa đi cấp cứu. Chiếc xe bẹp dúm không còn nhận dạng được, rất may không có ai bị thiệt mạng. Còn bà Vũ Thị Huyền đi cùng con gái và cháu ngoại trên chiếc taxi Vinasun từ Biên Hòa sang cù lao Hóa An chơi, khi đến gần giữa cầu thì bị nạn. Người tài xế bị hất tung ra ngoài nhưng chỉ bị trầy xước. Sau gần 1 ngày nằm trên giường bệnh, bà vẫn bàng hoàng với thân hình và khuôn mặt đầy vết bầm tím.

Đến gia đình cha con người tài xế chạy xe tải tại số 10/4 khu phố 6, phường Tân Mai, TP Biên Hòa, chúng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hai cỗ quan tài đặt giữa nhà nhang khói nghi ngút. Chị Phạm Thị Thanh Chiêu, vợ anh Trần Ngọc Khải, nghẹn lời nói: “Hôm đó hai bố con đi chở hàng thuê ở Vũng Tàu tới gần 7 giờ tối mới về. Vừa đến nhà bố cháu nói dọn cơm ra ăn để đi Sài Gòn giao hàng gấp. Ăn vội bát cơm là hai bố con đi liền, lúc ra khỏi nhà tôi còn nhớ khoảng 7 giờ 20 tối. Chỉ 20 phút sau tôi nhận được tin và bàng hoàng không tin là sự thật”.

Còn thầy giáo Nguyễn Tiến Hân khi nhớ về cậu sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Đồng Nai Trần Thanh Tuấn: “Em rất hiền và ngoan. Trước tết có nói tranh thủ nghỉ mấy ngày để phụ ba kiếm tiền đóng học phí. Em có ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng. Giờ thì vĩnh viễn không còn”.

Ước mơ của Tuấn sẽ thành hiện thực, nếu không có sự tắc trách của những người có trách nhiệm trong ngành đường sắt. Vụ tai nạn thảm khốc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng về những vụ tai nạn giao thông đường bộ đang tăng chóng mặt và hàng ngày chực chờ cướp đi sinh mạng của hàng ngàn con người.

Đặc biệt đối với ngành đường sắt, hiện trên các tuyến đường sắt ngang dọc đất nước vẫn đang tồn tại hàng chục điểm cùng lưu thông cho cả đường bộ và đường sắt. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này, sẽ còn nhiều vụ tai nạn thảm khốc khác đang từng ngày chực chờ ập xuống những người dân vô tội. 

HOÀI NAM

Các loại phương tiện qua cầu Ghềnh vào sáng 7-2.

Các loại phương tiện qua cầu Ghềnh vào sáng 7-2.


Theo BS Trương Thiết Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 7-2, trong số 24 nạn nhân bị thương, đã có 11 người xuất viện, 2 chuyển lên tuyến trên tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Mắt TPHCM. Hiện 11 nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện đã qua khỏi nguy kịch.

UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định hỗ trợ mỗi người bị thương 2 triệu đồng, mỗi người bị chết 5 triệu đồng. Toàn bộ chi phí thuốc men cứu chữa các nạn nhân được bệnh viện miễn phí hoàn toàn. Ngay trong ngày 7-2, đã có nhiều cơ quan đoàn thể của TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đến tặng quà, động viên các nạn nhân sớm bình phục trở về với gia đình.

Chiều 7-2, ba nạn nhân được cấp cứu tại BV Chợ Rẫy TPHCM vẫn đang trong tình trạng mê man và được theo dõi do chấn thương sọ não. Đó là 3 anh chị Hoàng Thị Hòa (SN 1954, ngụ Bình Phước), Phan Thị Ngọc Lan (SN 1981, ngụ Đồng Nai) và Nguyễn Văn Kiệt (SN 1983, ngụ Đồng Nai). Hai nạn nhân Hòa và Lan bị đa chấn thương đầu, mặt, ngực và gãy xương sườn. Chị Hòa còn bị chấn thương máu tụ ngoài màng cứng thái dương trái. Theo BS Lưu Thanh Nam, Phó Khoa chấn thương sọ não, hiện cả 2 bệnh nhân trên đang được theo dõi lâm sàng do chấn thương khá nặng.

Theo lời kể của anh Lê Minh Tuấn, chồng chị Lan, hôm xảy ra tai nạn, vợ chồng anh cùng anh Nguyễn Văn Kiệt đi ô tô lên TPHCM để khám bệnh cho chị Lan. Trước đó, chị Lan sốt siêu vi, nôn ói và khó thở nên được người nhà đưa đi hướng cầu Ghềnh cho nhanh để đến Bệnh viện Hoàn Mỹ.

“Khi xe chạy lên cầu Ghềnh, bỗng dưng có 3 xe phía trước ùn lại. Nhìn qua cửa kính tôi thấy 2 tài xế taxi đang cự cãi do va chạm nhau” - anh Tuấn cho biết. Anh kể: “Tui ngồi với vợ phía sau, thằng Kiệt cầm lái. Khi lên cầu Ghềnh, thằng Kiệt nói kẹt xe rồi. Lúc đó định quay đầu lại thì phía sau đã có thêm 2 xe nữa. Không cách nào lách được. Đúng lúc đó thì có một ông gác cầu ở đâu chạy tới hét to: tàu tới. Chỉ sau đó chưa tới 30 giây thì tôi đã nghe cái… rầm”.

Đ. HIỆP - H. NAM - Tg.LÂM

Tin cùng chuyên mục