Từ vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) - Cần sớm sửa Luật Đất đai

Bộ NN - PTNT vào cuộc

Sau vụ cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) còn nảy sinh một vấn đề gay cấn nữa là trong thời gian sắp tới sẽ có hàng loạt trang trại khác trong cả nước cũng hết thời hạn giao đất 20 năm, phải thu hồi… liệu có tránh được sai sót như ở Tiên Lãng?

Bộ NN - PTNT vào cuộc

Liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trong những ngày tới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các cơ quan liên quan cử đoàn công tác đến xã Vinh Quang và TP Hải Phòng để làm việc. Sau khi đoàn công tác của Bộ NN-PTNT nắm lại toàn bộ tình hình, thu thập thông tin khách quan, độc lập từ phía người dân và các cơ quan chức năng rồi có báo cáo cụ thể thì Bộ NN-PTNT sẽ có ý kiến chính thức.

Chiều 31-1, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, để làm rõ đúng sai đối với vụ việc ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến quy trình giao đất, thu hồi đất, đền bù thiệt hại… thì trách nhiệm chính thuộc Bộ TN-MT, còn Bộ NN-PTNT chỉ tham gia trong các lĩnh vực có liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng, tài sản là nông sản, vật nuôi... nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng khẳng định diện tích đầm bãi mà gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã có công khai hoang, sử dụng nhiều năm nay là đất nông nghiệp chứ không phải đất bãi bồi, đất lưu không như chính quyền huyện Tiên Lãng đưa ra. Bởi theo quy định thì đất giao cho người dân khai hoang, đưa vào sản xuất ở 4 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nghề muối thì đó là đất nông nghiệp và việc thu hồi phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Không thể thu hồi tùy tiện

Tuy nhiên, theo TS Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thì sau vụ việc ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), điều đáng lo ngại là trong thời gian sắp tới, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hàng triệu chủ trang trại trong cả nước theo Luật Đất đai năm 1993 sẽ đồng loạt hết hiệu lực, vậy sẽ xử lý như thế nào để tránh xảy ra những chuyện “nhạy cảm” như ở Tiên Lãng? Cụ thể là từ ngày 15-10-2013, sẽ có hàng loạt trường hợp đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi do hết thời hạn giao đất. Điều này cũng khiến các chủ trang trại hoang mang, lo lắng bởi họ không biết sau khi thu hồi vì hết hiệu lực giao đất thì có tiếp tục được giao đất để sản xuất nữa không, tài sản đã đầu tư có được đền bù.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, mặc dù Luật Đất đai đã quy định rõ, khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì vẫn được Nhà nước tiếp tục giao đất đó để sử dụng và sản xuất. Dẫu vậy, các quy định của chúng ta vẫn còn khá mù mờ và chồng chéo. Lợi dụng quy định luật cho phép thu hồi đất vì các lợi ích quốc gia, mục tiêu an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế nên chính quyền nhiều nơi đã “vin” vào đó để ra quyết định thu hồi hàng loạt khu đất cho các dự án kinh tế, bất chấp cả những việc “nhạy cảm”.

TS Lê Đức Thịnh cho rằng, rõ ràng là theo quy định, sau khi hết hạn giao đất 20 năm, các địa phương vẫn phải tiếp tục bàn giao cho chủ trang trại nếu họ vẫn có nhu cầu sử dụng. Còn nếu họ không có nhu cầu, trả lại thì địa phương mới được lấy lại đất. Không thể có chuyện, người dân vẫn có nhu cầu mà lại thu hồi đất của họ, để giao cho người khác. Trường hợp địa phương muốn cắt hợp đồng của các hộ dân đã được giao đất thì phải tính toán như một hợp đồng giao đất và phải bồi thường những tài sản trên đất của họ.

Song để giúp người dân yên tâm hơn, cần phải có một tuyên bố chính thức của các cơ quan chức năng, để tránh tình trạng các chủ trang trại thi nhau chuyển nhượng, mua bán trao tay đất cho người khác khi thời hạn giao đất sắp kết thúc, vì không chắc rằng, sau năm 2013 có được giao đất để sản xuất tiếp nữa không.

Do đó, cần phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp và nên hoàn thành sớm trước ngày 15-10-2013. Trong đó, nên hướng tới việc giao đất với thời hạn lâu dài, ổn định cho chủ trang trại hoặc ít nhất là 50 năm để giúp nông dân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất cũng như tránh các hậu quả bất ổn về mặt kinh tế - xã hội có thể xảy ra như vụ việc ở Tiên Lãng.

Trước vụ việc cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cũng cho biết, Hội Nông dân Việt Nam sẽ giao cho Trung tâm Tư vấn pháp luật của hội xuống Hải Phòng tiếp xúc, tìm hiểu người dân, chính quyền để tư vấn và sau đó sẽ có những đánh giá chính xác hơn.

Ông khẳng định, hiện nay nhiều người dân, chủ trang trại sắp hết hạn giao đất mà chưa có hướng dẫn nên người dân rất băn khoăn, không biết có còn được giao đất lại hay không. Trong khi đó các địa phương lại tự tiến hành thu hồi theo cách riêng của địa phương, dẫn đến sự việc đáng tiếc như ở Tiên Lãng vừa qua. Ông cho rằng, địa phương nào tự ý thu hồi đất, khi chưa có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sai. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT chuẩn bị tờ trình trình Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 1993 trong năm 2013. Sau khi có luật, mọi vấn đề sẽ được sáng tỏ. Người dân có thể yên tâm, vì theo dự thảo, ý kiến của các chuyên gia đề xuất thì thời hạn giao đất có thể từ 50 - 90 năm chứ không chỉ là 20 năm như hiện nay.

Văn Nguyễn

Dân bất bình với cách hành xử của chính quyền địa phương

Ngày 31-1, đoàn cán bộ của Bộ TN-MT do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch làm trưởng đoàn, Chánh Thanh tra Bộ TN-MT Lê Quốc Trung làm phó trưởng đoàn đã có ngày làm việc đầu tiên với Sở TN-MT thành phố Hải Phòng để nắm tình hình về vụ cưỡng chế, thu hồi đất đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng. Nội dung làm việc của đoàn nhằm xác định tính đúng đắn, hợp pháp của các quyết định giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất... của UBND huyện Tiên Lãng. Do bận công tác đột xuất, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển không tham dự cuộc làm việc này, song ông cho biết, khi có báo cáo của đoàn thanh tra, lãnh đạo bộ sẽ sớm làm việc với lãnh đạo và các cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng.

Cũng liên quan tới vụ việc này, luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của đoàn giám sát về vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, cho biết: “Qua việc gặp gỡ trao đổi với nhiều người dân ở Tiên Lãng và thu thập các tài liệu cho thấy, chính quyền cơ sở ở đây làm việc không căn cứ vào pháp luật. Trong thời gian về tận địa phương tìm hiểu sự việc, đoàn chúng tôi tiếp xúc với 11 người không hẹn trước, trong đó có những đảng viên lão thành, có người nguyên là bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, có người có đất bị thu hồi, có những người không có liên quan gì. Tất cả họ đều không tán thành với việc làm của chính quyền nơi đây…”. Người dân cho rằng chính quyền có những xử lý trái đạo lý, trái luật pháp. Có nhiều người nói đây là vụ việc bất bình thường.

Ng.Quốc – A.Thư

Thông tin liên quan

- Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng

- Truy bắt các đối tượng bắn trọng thương 6 chiến sĩ

Tin cùng chuyên mục