“Nguy cơ tràn vào Việt Nam là rất cao”- Phó cục trưởng Cục Thú y cảnh báo như vậy khi trao đổi với PV Báo SGGP.
Mới đây, khi phát hiện có tình trạng heo chết bất thường tại tỉnh Lạng Sơn, Cục Thú y đã tổ chức lấy 6 mẫu để kiểm tra. Tuy nhiên các mẫu này đều âm tính với dịch tả heo châu Phi. Ông Thành cho biết thêm, lực lượng thú y tại tỉnh Lào Cai cũng vừa lấy thêm 6 mẫu để gửi về Hà Nội kiểm tra nhưng cũng chỉ âm tính.
Mặc dù vậy, nguy cơ đại dịch xâm nhập là khó tránh khỏi. Theo Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT chuẩn bị các kế hoạch rà soát, ứng phó và hiện Bộ NN-PTNT đã sẵn sàng cho “kịch bản” ứng phó trong tình trạng đại dịch tràn sang Việt Nam.
Hiện nay, Cục Thú y đã có chỉ đạo tổ chức lấy mẫu đối với toàn bộ các trường hợp heo chết hoặc heo nghi có dấu hiệu mắc bệnh, heo nhập lậu để phát hiện dịch một cách nhanh nhất, để chủ động các biện pháp cô lập dịch.
Theo Cục Thú y, bệnh dịch tả heo châu Phi là bệnh rất nguy hiểm. Thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho biết: Tính từ năm 2017 đến nay, trên thế giới đã có 19 quốc gia báo cáo bệnh, với tổng đàn heo buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con.
Tại Trung Quốc, tính đến ngày 9-11, đã có 66 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh, làm tổng cộng hơn 470 nghìn con heo các loại buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt, dịch bệnh đã xuất hiện ở các địa phương chỉ cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km.
Tình hình trên cho thấy nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao, nhất là khi các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo, kể cả các sản phẩm thịt heo đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc và sân bay Nhật Bản) cũng có thể là nguy cơ dẫn đến virus bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.