Phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung gặp nhiều khó khăn, GDP nông nghiệp cả nước năm 2019 chỉ tăng 2,01%, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP nông nghiệp TPHCM lại tăng 6,01% và giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 550 triệu đồng/năm, gấp khoảng 5 lần bình quân cả nước, cho thấy nông nghiệp đô thị của TPHCM đang phát huy tác dụng.
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản phẩm. Ảnh: THANH HẢI
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản phẩm. Ảnh: THANH HẢI

Nâng cao giá trị sản xuất

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, năm 2019, các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang trồng rau, hoa cho giá trị tăng cao, như chuyển đổi từ cây mía sang trồng mai (321ha) tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, giá trị thu được tăng lên 20 - 50 lần; nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ cao đạt 135 tấn/ha/năm so với nuôi bán thâm canh năng suất 36 tấn/ha/năm; mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá phi đạt năng suất 7,4 tấn/ha (so với nuôi bán thâm canh, năng suất 3,9 tấn/ha); áp dụng kỹ thuật thiết kế, lắp đặt và xây dựng hệ thống lọc nước đầu vào trong quy trình sản xuất con giống và hệ thống bể ương cá giống, đã tăng tỷ lệ nở cá bột cao hơn 20%.

Những chuyển đổi này góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp TPHCM. Ngoài ra, nhiều diện tích rau, quả được chứng nhận VietGAP, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp TP ở mức cao nhiêu lần so với cả nước trong thời gian dài. Do giá bán rau VietGAP cao hơn so giá bán rau thường khoảng 13% (từ 1.000 - 2.000 đồng/kg), giúp giá trị tăng thêm của sản lượng làm ra (129.110 tấn) khoảng 194 tỷ đồng.

Hơn nữa, một số dự án chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá và ăn quả ứng dụng công nghệ cao đã đi vào sản xuất; trong đó, nhiều cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: nhóm rau ăn lá đạt bình quân 1 - 1,4 tỷ đồng/ha/năm, nhóm rau ăn quả đạt 0,6 - 0,7 tỷ đồng/ha/năm, hoa lan nhiệt đới khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm, bò sữa (quy mô 20 con) bình quân 800 triệu đồng/năm, nuôi tôm siêu thâm canh khoảng 2,7 - 3 tỷ đồng/ha/năm, cá cảnh từ 10 - 12 tỷ đồng/ha/năm. Với lợi nhuận kinh tế mang lại từ 30% - 40%, nông nghiệp công nghệ cao đang tiếp tục được người dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Trước đó, Sở NN-PTNT tham mưu UBND TPHCM ban hành danh mục 3 nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp; trong đó, nhóm sản phẩm cây trồng gồm rau và hoa, cây kiểng; nhóm sản phẩm chăn nuôi có bò sữa (con giống, sữa) và heo (con giống, thịt); nhóm sản phẩm thủy sản với tôm nước lợ, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, cá cảnh được xác định là nhóm sản phẩm chủ lực có tiềm năng. Nhờ việc ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận VietGAP... giúp gia tăng giá trị sản phẩm làm ra nên các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP năm 2019 chiếm 66% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tương đương trên 13.800 tỷ đồng; trong đó, các sản phẩm chủ lực về trồng trọt như rau, có diện tích gieo trồng 20.500ha, sản lượng trên 580.100 tấn, tăng 9,3% về diện tích và 10,3% về sản lượng so cùng kỳ 2018.

Hoa nhiệt đới các loại và cây kiểng là 2.474ha, tăng 6,6% so cùng kỳ; trong đó, lan cắt cành 375ha, hoa nền 850ha, kiểng và bonsai 580ha, mai 664ha. Lĩnh vực chăn nuôi có tổng đàn bò 133.500 con, tăng 7,4% so với cùng kỳ; trong đó, bò thịt trên 58.500 con, tăng 32,1%; dù đàn bò sữa giảm 6,2% còn 75.000 con, nhưng sản lượng sữa bò tươi lại tăng 1%, đạt 243.000 tấn, cho thấy hiệu quả của việc nâng chất, phù hợp với chủ trương chuyển bò sữa năng suất thấp sang làm bò nền lai tạo bò thịt cao sản. Về thủy sản, diện tích nuôi giảm 2,3%, còn 8.650ha, nhưng sản lượng tăng 6,9%, đạt hơn 41.600 tấn. Riêng cá cảnh đạt 205 triệu con, tăng 12,5%, có gần 89ha với 290 cơ sở và hộ nuôi.

Chính sách thúc đẩy

Từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 5-1-2014), Sở NN-PTNT lấy ý kiến của các sở ngành để hoàn chỉnh dự thảo Chương trình phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch sang cơ cấu nông nghiệp đô thị để trình TP.

Qua đó, UBND TP ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, đóng góp hỗ trợ cho nông thôn TP. Quy mô vốn đầu tư, vốn vay qua các năm tăng dần. Bình quân tổng vốn đầu tư là 1,1 tỷ đồng/hộ/phương án, cao hơn 1,4 lần so với năm 2017 và cao hơn 2,2 lần bình quân giai đoạn 2011-2017 (514 triệu đồng/hộ/phương án). TP còn có chính sách khuyến khích áp dụng quy trình VietGAP trong nông nghiệp và thủy sản, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới, chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp… qua đó thúc đẩy triển khai thêm nhiều mô hình; giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện tình trạng thiếu lao động nông nghiệp, giúp bảo vệ sức khỏe người lao động, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích sản xuất, tăng thu nhập.

Ngoài ra, để hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, năm qua, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM phối hợp các địa phương tổ chức chợ phiên nông sản an toàn ở 10 địa điểm tại nhiều quận, số kỳ tổ chức chợ phiên trong năm đạt 206 kỳ (tăng 151% so cùng kỳ). Bình quân mỗi phiên chợ có 19 đơn vị tham gia với 21 gian hàng. Tổng doanh thu từ hoạt động bán tại chợ phiên và đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn với 200 thỏa thuận, giữa các đơn vị tham gia chợ phiên và khách hàng đạt 30,6 tỷ đồng/tháng (367,2 tỷ đồng/năm).

Từ những kết quả này, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp TPHCM tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như trên theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển thêm cây dược liệu, tôm càng xanh, thuỷ đặc sản… Xây dựng chương trình hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao; từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con trong khu vực. Phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái; đồng thời, phát huy vai trò của hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định bền vững với mục đích là nâng cao thu nhập.

Tin cùng chuyên mục