Tháng 9-2012, Hệ thống Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (APC) đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng tại các cơ sở tại TPHCM, Nha Trang, Phan Thiết, Đồng Nai. Thạc sĩ Phạm Anh Quang - Hiệu trưởng Trường APC TPHCM cho biết về kế hoạch trong năm học 2012-2013.
° Thưa ông, trọng tâm và chủ điểm của chương trình giáo dục học sinh của APC năm nay là gì?
- Thạc sĩ Phạm Anh Quang: Nói về vai trò của giáo dục thì phải nhắc đến lợi ích lâu dài của sự đầu tư cho giáo dục. Muốn có lợi ích lâu dài đòi hỏi sự đầu tư trong lĩnh vực này phải bài bản, có định hướng, kế hoạch cụ thể. Và giáo dục chỉ thành công nếu ta xây dựng được nền tảng vững chắc cho học sinh. Để xây dựng được nền tảng đó, bên cạnh vai trò của nhà trường, các thầy cô giáo, cần phát huy vai trò và trách nhiệm của học sinh. APC luôn nhìn nhận và chú trọng điều này bởi đó là ý tưởng chủ đạo của nhà trường trong suốt quá trình giáo dục toàn diện cho học sinh.
° Nhà trường triển khai cụ thể như thế nào?
- Năm học 2012-2013, APC tiếp tục những đổi mới về phương pháp dạy và học, triệt để thực hiện triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm, đề cao tính chủ động của học sinh trong học tập. Và nền tảng cho những đổi mới đó là ý thức trách nhiệm. Thầy và trò đều cần hiểu rõ trách nhiệm của mình và cố gắng làm tròn. Phương châm hành động của chúng tôi chỉ đơn giản như vậy. Và hơn hết, nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh cần phối hợp chặt chẽ. Cần giúp các em thực sự hiểu rằng mình đang học cho tương lai, chứ không phải học vì cha mẹ hay học vì thầy cô. Hiểu được điều đó, các em sẽ có động cơ học tập đúng đắn, sẽ đặt quyết tâm và ý chí để vượt qua nhiều khó khăn trong học tập. Đây không phải là công việc đơn giản mà cần cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
° Thưa ông, từ nhiều năm nay ngành giáo dục đã triển khai phương pháp lấy người học làm trung tâm, đề cao tính chủ động của học sinh trong học tập. Việc này được thực hiện ở APC như thế nào?
- Đổi mới phương pháp trước hết phải xuất phát từ phía nhà trường, từ phía các thầy cô giáo. Để học sinh học tập chủ động, giáo viên phải áp dụng phương pháp dạy học tích cực, hướng dẫn, gợi mở cho học sinh, bằng sự chuẩn bị chu đáo, sự lôi cuốn và bằng nhiệt huyết của mình để chuyển đổi tính thụ động trong học sinh, lôi kéo học sinh tham gia vào bài học, vào quá trình học. Muốn thực hiện được những giờ học như thế, giáo viên phải hết sức tâm huyết với nghề, luôn trăn trở suy nghĩ để tìm cách xây dựng bài giảng, luôn tìm tòi học hỏi và sáng tạo. Để có được những giáo viên như vậy, APC đã chủ động xây dựng một chính sách cụ thể về tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên, về chương trình đào tạo bồi dưỡng và các chế độ đãi ngộ xứng đáng.
° Đâu là lợi ích cụ thể do việc học tập chủ động mang lại?
- Lợi ích của học tập chủ động rất rõ ràng. Thông qua các hoạt động chủ động của mình trong quá trình học, học sinh tự lực khám phá điều mình chưa rõ, không phải thụ động tiếp thu kiến thức đã được giáo viên sắp đặt. Học sinh cũng đặt mình vào tình huống của đời sống thực tế, được trải nghiệm, trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề đặt ra theo hướng suy nghĩ của mình, vừa thông qua làm việc cá nhân, vừa phải theo nhóm, từ đó thu được những kiến thức mới, phát huy tiềm năng sáng tạo. Và một điều rất quan trọng nữa là các em sẽ thấy rõ trách nhiệm của mình đối với lớp học, giờ học, từ đó sẽ có ý thức học tập tốt hơn. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà APC luôn hướng tới xây dựng cho học sinh.
A.TRINH – B.KIM