Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Những sáng kiến vì người bệnh

Có thể nói, sáng kiến của các nhân viên y tế TPHCM đã chia sẻ phần nào sự khó khăn khi đối diện với áp lực của các bệnh viện.

“Chị đọc chỗ này đi, bệnh viện dặn là ngưng uống nước 4 giờ trước khi mổ thì kết quả mới tốt được. Giờ ráng chịu khát chút xíu nhen, nếu không thì chị khổ chứ ai khổ”, bà Ngô Thị Liên (62 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) vừa nói vừa lật cuốn cẩm nang những điều cần biết cho người bệnh nội trú rồi đưa cho chị gái đang điều trị xem. Đó là một trong những sáng kiến được nhân viên các bệnh viện (BV) tìm tòi và đưa vào áp dụng, bước đầu đạt hiệu quả.

1. Chị Phạm Thùy Mị (45 tuổi, quê Bạc Liêu) trước khi ra về đã tới quầy hướng dẫn lấy thêm 2 cuốn cẩm nang bỏ vào túi xách. “Một cuốn tui đem về tìm hiểu để bày cho bà con trong xóm, còn một cuốn tặng lại dì Tư gần nhà. Bữa hổm biết tui lên đây khám bệnh, dì Tư đem qua cho mượn cuốn cẩm nang này, tui cứ thế làm theo y như hướng dẫn, khỏe lắm. Dì Tư dặn khi về thì trả lại, nhưng có trang bị mất một góc nên tui lấy cuốn mới về trả”, chị Mị nói.

Mỗi ngày BV Chợ Rẫy có hơn 6.000 người bệnh tới khám và điều trị ngoại trú, cùng hàng ngàn bệnh nhân đang điều trị nội trú. Với số lượng ấy, BV có 31 nhân viên hướng dẫn (chưa tính bảo vệ) chủ yếu phục vụ ở khu vực khám bệnh nhưng vẫn không đủ để hỗ trợ người bệnh. Nhân viên mệt nhoài, còn người bệnh lại phải loay hoay với từng khâu khám bệnh nên nhiều người chưa hài lòng.

Theo Th.S Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội (CTXH) BV Chợ Rẫy, trước đây, trên trang điện tử và các máy tra cứu thông tin tại BV cũng có nhiều nội dung hướng dẫn người bệnh, nhưng chủ yếu bệnh nhân trẻ hoặc người rành về thiết bị công nghệ mới sử dụng được, trong khi BV Chợ Rẫy có rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi chưa tiếp cận được mô hình thông tin điện tử. Do đó, Phòng CTXH đã nghiên cứu và biên soạn 2 cuốn cẩm nang giúp bệnh nhân hiểu được các quy trình, thủ tục khám tại BV Chợ Rẫy để họ yên tâm hơn.

Hai cuốn cẩm nang hướng dẫn dành cho bệnh nhân ngoại trú và nội trú có rất nhiều hướng dẫn để bệnh nhân và người nhà dễ tìm hiểu, như sơ đồ bệnh viện; hướng dẫn khi có chỉ định phẫu thuật; hướng dẫn thanh toán viện phí; hướng dẫn thủ tục xuất viện; hướng dẫn tái khám; các tuyến xe buýt đi qua BV; thông tin chuẩn bị trước khi khám bệnh; quy trình khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT), không có BHYT…

PGS-TS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, đánh giá cao hiệu quả của 2 cuốn cẩm nang bởi sự chuyển biến rõ rệt từ người bệnh, họ chủ động hơn trong quá trình khám chữa bệnh. Và từ đầu năm 2018, khi phát hành cẩm nang, nhiều người tự đi khám bệnh mà không phải nhờ người đi cùng, nhờ vậy cũng giảm bớt tình trạng quá tải người trong khuôn viên BV.

2. Ai cũng biết, mỗi ngày lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại BV Ung bướu TPHCM rất đông, ước tính hơn 2.000 người, trong đó hầu hết  đều sử dụng BHYT. Khó chồng khó, cuối năm 2017, khi cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) triển khai quy trình kiểm tra thông tuyến đối với người bệnh sử dụng BHYT, người bệnh than trời vì mất thêm thời gian chờ đợi làm thủ tục.

Mỗi  bệnh nhân kiểm tra thông tuyến mất 2 - 3 phút. Đem con số đó nhân với 2.000 người, nghe thôi đã đủ choáng váng, vừa gây áp lực cho nhân viên BV, vừa làm khổ người bệnh. Từ thực tế đó, anh Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng phòng Kế toán, ấp ủ dự định rút ngắn quy trình kiểm tra thông tuyến sao cho vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm thời gian. Kết hợp với một đồng nghiệp phụ trách công nghệ thông tin, anh Tâm đã xây dựng quy trình kiểm tra thông tuyến của riêng BV Ung bướu.

Sau 1 tháng nghiên cứu và 2 tuần thử nghiệm tại Khoa Y học hạt nhân, nhận được đánh giá tích cực từ các bộ phận chuyên môn, đầu tháng 4-2018, quy trình kiểm tra thông tuyến BHYT dành cho bệnh nhân nội trú do anh Tâm cải tiến được áp dụng rộng rãi tại 20 khoa lâm sàng và bộ phận kế toán của BV, người bệnh hài lòng hơn khi giảm thời gian chờ đợi xuống chỉ còn 10 - 20 giây/bệnh nhân.

Cụ thể, với quy trình của BHXH, các khoa phải nhập theo 4 bước gồm: nhập địa chỉ trang web của BHXH; tên đăng nhập; vào màn hình thông tuyến khám chữa bệnh gõ thông tin bệnh nhân; kiểm tra hiển thị thẻ BHYT trên thông tuyến.

Chuyển sang quy trình của BV thì bớt được 2 bước đầu, nhân viên y tế chỉ phải nhập mã BHYT là có thể kiểm tra hiển thị thẻ BHYT thông tuyến. Ngoài ra, quy trình này còn cho ra ngay bảng chi phí điều trị, giúp nhân viên y tế đối chiếu hóa đơn thanh toán viện phí mà không phải mở thêm bất cứ phần mềm nào khác.

Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cải tiến quy trình kiểm tra thông tuyến BHYT không chỉ giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân mà mỗi ngày còn tiết kiệm được 9 công lao động, nếu tính lương cơ bản, mỗi năm giảm hơn 300 triệu đồng.

3. Vào thời điểm phát hiện máy hấp dụng cụ y tế bị hư hỏng, không đảm bảo tiệt trùng, lãnh đạo BV Quận 5 và kỹ thuật viên trưởng phòng mổ Nguyễn Anh Tuấn đau đầu bởi chất lượng tiệt trùng dụng cụ y tế và bởi chi phí sắp tới để sắm máy mới lên tới hơn 1 tỷ đồng/máy.

Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Những sáng kiến vì người bệnh ảnh 1 Kỹ thuật viên trưởng phòng mổ Nguyễn Anh Tuấn (BV Quận 5) vận hành máy hấp do anh cải tiến
“Tôi hiểu khó khăn của BV cấp quận nên ráng gọi thợ tới sửa, nhưng chi phí sửa cũng không rẻ, mỗi lần mấy chục triệu đồng mà chỉ được vài bữa lại hư. Thế là tôi tìm cách cải tạo, nâng cấp để có thể tận dụng các thiết bị còn sử dụng được, thay vì phải tốn một khoản tiền lớn”, anh Tuấn chia sẻ.

Hơn 6 tháng mày mò thử nghiệm, từ lắp đặt tủ điều khiển tự động, máy tăng áp suất, 4 van từ chịu nhiệt tự động Solenoid và thay máy bơm Prevancuum (tiền chân không), máy hấp tiệt trùng Study-SA 500B đã dần hoàn thiện dưới bàn tay người kỹ thuật viên vững nghề.

Chiếc máy hấp tiệt trùng dụng cụ y tế của BV Quận 5 vốn là loại máy cơ, điều khiển bằng tay, qua sáng kiến của anh Tuấn, chiếc máy hấp mới được cải tiến chỉ còn một thao tác chọn chế độ, nhân viên kỹ thuật có thể tranh thủ làm việc khác trong thời gian chờ máy báo hấp xong là lấy dụng cụ ra bảo quản.

Trước thực trạng bệnh nhân đông, BV quá tải, nhất là ở các BV tuyến cuối thì mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người bệnh là bài toán khó. Có thể nói, sáng kiến của các nhân viên y tế TPHCM đã chia sẻ phần nào sự khó khăn khi đối diện với áp lực của các bệnh viện.

Tin cùng chuyên mục