Nhìn lại, một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 chính là đầu tư công. Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch, tức gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, lợi ích cục bộ đã được khắc phục đáng kể, nguồn lực đầu tư được tập trung cho các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… tạo đột phá hạ tầng cho đất nước và các địa phương. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, nhiều dự án đường cao tốc được sớm đưa vào khai thác. Cùng với đó đã khởi công 3 tuyến cao tốc trục Đông - Tây, 2 đường vành đai, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đưa vào khai thác cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vĩnh Tuy 2... và nhiều công trình, dự án khác đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.
Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2024, giải pháp mang tính chất căn cơ nên được thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Một thuận lợi lớn là trong năm 2023, thể chế về đầu tư công đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra; vừa tạo khung pháp lý để giải quyết những vấn đề mới. Quốc hội ban hành Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Đấu thầu năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM gồm 44 chính sách thuộc 7 lĩnh vực. Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các nghị định hướng dẫn về hoạt động đầu tư công, tiếp tục triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực…
Tuy vậy, còn những bất cập đã được phát hiện trong thời gian qua nên được tiếp tục khẩn trương chỉnh lý, bổ sung, trong đó có một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Khâu tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư cũng không kém phần quan trọng. Về phía các bộ ngành, địa phương, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án khởi công mới, được làm kỹ lưỡng, chuẩn chỉnh thì việc triển khai thực hiện dự án sẽ suôn sẻ, nhanh chóng hơn rất nhiều so với vừa làm vừa sửa. Giống như việc đã chuẩn bị sẵn sàng và tập trung chú ý thì khi “đèn xanh” bật lên là “cỗ xe” đầu tư công có thể tăng tốc ngay, thay vì lơ đãng không để ý, để xe chết máy, kẹt phanh…