Có người bảo, văn hóa đọc đang chết, có người nói văn hóa đọc không chết, vì ở Việt Nam không có văn hóa đọc. Ngược lại, có người lại bảo văn hóa đọc Việt Nam đang hồi sinh, văn hóa đọc trong nước đang phát triển… Thật ra, văn hóa đọc trong nước đang ở đâu? Đã chết hay đang phát triển mạnh mẽ?
Nhiều kênh sách đa dạng
Tại Hội sách TPHCM lần thứ 5 diễn ra cách đây đúng 2 năm, một trong những hoạt động được chú ý nhất là cuộc hội thảo bàn về văn hóa đọc, với nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc này.
Đầu tiên, đó chính là việc khẳng định rằng, bất chấp những sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ giải trí nghe nhìn, đọc sách vẫn được xem là một kênh tiếp nhận thông tin quan trọng của mọi người. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản trong nước chính là chứng minh cụ thể nhất của việc phát triển nhu cầu đọc của người dân.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, trong năm 2009, bất chấp tình hình suy thoái kinh tế chung, ngành xuất bản vẫn cho ra mắt gần 21.000 nhan đề sách mới với số bản in gần 500 triệu bản, cao hơn 111% so với năm 2008.
Tại Hội sách TPHCM lần thứ 6 có một cuộc hội thảo rất được chú ý. Nội dung là kiến nghị xây dựng một ngày “Tết đọc sách”. Trước đây, chúng ta hay lấy ngày 23-4, ngày của UNESCO về sách và dịch thuật làm ngày đọc sách nhưng vẫn chưa thật sự thu hút bạn đọc trong nước. Với ngày “Tết đọc sách”, những người tổ chức mong muốn không chỉ tạo nên thói quen đọc sách cho mọi người, mà còn kêu gọi sự chung tay phối hợp của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức xây dựng một nền văn hóa đọc Việt Nam tiến bộ. |
Những ngày đầu năm 2010, toàn bộ giới xuất bản trong cả nước, đông đảo bạn đọc TPHCM đang hồ hởi chuẩn bị đón chào Hội sách TPHCM lần thứ 6.
Đây được xem là một trong những sự kiện sách lớn nhất cả nước, quy tụ gần như toàn bộ ngành xuất bản Việt Nam, nhận được sự tham dự với số lượng cao nhất từ trước đến nay của các NXB nước ngoài. Hơn 20 triệu bản sách đang chờ đợi bạn đọc đến với ngày hội sách.
Không những thế, giá sách hiện nay cũng bắt đầu có xu hướng giảm so với trước. Không phải do chi phí bản quyền, in ấn, xuất bản…giảm mà là do người làm sách chủ động giảm bớt lợi nhuận để tăng lượng bạn đọc.
Năm 2010 còn ghi dấu những biến đổi mạnh mẽ về kỹ thuật đã ảnh hưởng đến hình thức đọc trong bạn đọc hiện nay. Sách điện tử tuy đã xuất hiện nhiều năm trước nhưng hãy còn mờ nhạt, đến nay đã trở thành một loại hình sách quan trọng, bắt đầu tạo ảnh hưởng đến sự lựa chọn trong phương thức đọc sách.
Trước tình hình đó, nhà nước cũng đã bắt đầu đưa ra những quy định nhằm kiểm soát loại hình xuất bản qua mạng. Phương thức mua sách qua mạng cũng đã đi qua con đường chập chững ban đầu để bắt đầu phát triển ổn định. Vài năm trước, chính sự loạng choạng, thiếu định hướng đã khiến một loạt nhà sách trên mạng phải đóng cửa thì nay các nhà sách trên mạng đã phát triển mạnh, thậm chí ganh đua cả với những nhà sách truyền thống quy mô lớn.
Lượng sách ngày càng tăng cao, phương thức thưởng thức sách ngày càng tiến bộ. Không phải ngẫu nhiên mà những người lạc quan cho rằng, Việt Nam đang tiến rất gần đến việc có được một nền văn hóa đọc phát triển khi đã có được nền tảng cơ sở rất quan trọng là lượng sách dồi dào và niềm đam mê đọc sách.
Nếp đọc sách căn cơ - còn nhiều khoảng cách
Thế nhưng, ở phía những người phản bác, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Giáo sư Chu Hảo cho rằng văn hóa đọc có 3 điều cốt lõi là thói quen đọc sách, khả năng lựa chọn sách và cách đọc sách. Theo ông, chúng ta đang thiếu cả 3 điều cốt lõi đó.
Lấy điển hình như thói quen đọc sách. Trong năm 2009, nhu cầu đọc sách lớn nhất là những loại sách cung cấp kiến thức chuyên ngành, bỗng nhiên tăng vọt. Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), lý giải nguyên nhân chính là sự suy thoái kinh tế toàn cầu, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm tạm thời nhân viên. Lực lượng dư thừa này đã dùng thời gian nhàn rỗi để nâng cao kiến thức, sẵn sàng quay lại với vị thế tốt nhất trong công việc khi suy thoái qua đi. Như vậy nhu cầu đọc của họ xuất phát từ tình thế chứ không hình thành từ thói quen.
Cũng giống như thế, ở giới trẻ sau cơn sốt Harry Potter, nhu cầu đọc của các bạn thanh thiếu niên giảm bớt. Chỉ còn tập trung ở các loại truyện tranh (vốn bị xem là văn hóa nghe nhìn hơn là văn hóa đọc). Thế nhưng sau đó, cơn sốt đọc sách lại quay lại với bộ tác phẩm tình cảm kỳ ảo Chạng vạng. Và hiện nay, khi Chạng vạng đã qua đi, các bạn trẻ lại quay về với game điện tử, internet, phim ảnh để chờ đợi một tác phẩm sách khác có thể kéo các em quay lại đọc. Thói quen đọc ở nhiều bạn đọc trẻ tuổi vẫn chưa thật sự trở lại.
Khả năng lựa chọn sách vẫn luôn được xem là điểm yếu nhất trong việc xây dựng văn hóa đọc ở Việt Nam, điểm yếu này cũng là minh chứng cụ thể nhất việc thiếu sự kết hợp trong hệ thống xuất bản sách ở Việt Nam.
Tại một cuộc thăm dò dư luận trước đây, khi được hỏi về việc quyết định chọn mua sách, đại đa số bạn đọc đều có chọn lựa thông qua việc đọc giới thiệu trên báo chí, hoặc nghe lời khuyên của bạn bè. Việc chủ động tham khảo, lần mò tìm sách tại các nhà sách rất ít. Điều này được lý giải là do sự bận rộn của đời sống, công việc chiếm hết quỹ thời gian của người dân. Điều này làm xuất hiện một dạng chọn lựa sách theo phong trào và kéo theo cả việc làm sách theo phong trào, quảng bá sách theo phong trào…
Chúng ta hẳn không quên những lần thị trường tràn ngập sách đồng tính đến nỗi người ta phải tự hỏi sao tự nhiên người đồng tính trong nước lại tăng vọt như thế. Hay như khi dòng sách kỳ ảo được ưa chuộng, đi đến đâu cũng thấy đủ loại sách kỳ ảo cho thiếu nhi, rồi trào lưu sách tự sự, tình dục… Thị trường sách hết đảo qua bên này lại nghiêng qua bên nọ và điều đáng lo nhất là sau đó, khi đọc xong sách bạn đọc cảm thấy bực mình vì phần lớn sách chạy theo trào lưu nửa mùa và phần lớn chẳng hay ho như những lời quảng cáo.
Lúc đó, người ta mới sực nhớ đến những người gác cổng văn hóa đọc: giới phê bình văn học. Nay bỗng dưng thiếu vắng hẳn đội ngũ này. Và đến tận bây giờ, việc khôi phục lại việc phê bình văn học vẫn mới chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, chưa thật sự mang lại hiệu quả thực tế để hỗ trợ bạn đọc trong việc lựa chọn sách.
Nếu thói quen đọc sách hay khả năng lựa chọn sách còn có biện pháp để tìm cách khôi phục thì cách đọc sách lại nằm ngoài khả năng của những nhà làm sách. Ở các nước tiên tiến, việc này do trường học đảm nhiệm. Ở ta, bạn đọc tự mày mò tìm kiếm cách đọc nào thuận lợi nhất cho mình mà không cần biết đọc như vậy đúng hay sai! Hệ quả là nhiều tác phẩm xuất sắc bị lãng quên vì lý do bạn đọc chưa thưởng thức kỹ.
Chính vì những lý do trên, với những người lo lắng về việc văn hóa đọc kém phát triển thì dù lượng sách, người đọc trong nước có tăng cao, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc vẫn còn rất xa vời.
Tường Vy