Ra đời từ hơn nửa thế kỷ nay, bao bì giấy tiệt trùng hiện vẫn được đánh giá là ưu việt nhất trong việc bảo quản những loại thực phẩm dạng lỏng giàu dưỡng chất như sữa bò, sữa đậu nành, nước ép trái cây...
Ý tưởng tuyệt vời
Bao bì giấy tiệt trùng do ông Ruben Rausing (người sáng lập Tetra Pak - nhà cung cấp bao bì thực phẩm hàng đầu thế giới) phát minh vào năm 1952. Ông đã có một ý tưởng tuyệt vời là muốn giúp bảo quản sữa lâu hơn trong thời kỳ hậu chiến và làm sao đưa sữa đi xa hơn tới những nơi còn khó khăn để mọi người có thể uống được sữa dễ dàng.
Chính ý tưởng tuyệt vời đó đã thôi thúc ông nghĩ đến việc phải làm ra một loại bao bì đặc biệt, đủ hoàn hảo để giúp ông thỏa mãn ước mơ. Và bao bì giấy tiệt trùng đã ra đời.
Ngay từ những mẫu bao bì giấy tiệt trùng đầu tiên ra đời, thế giới đã đón nhận chúng đầy kinh ngạc, ngưỡng mộ. Sự có mặt của loại bao bì này mỗi lúc một phổ biến hơn, và hiện được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành chế biến thực phẩm dạng lỏng toàn cầu. Thông tin từ Tetra Pak cho thấy, hiện mỗi năm hãng này cung cấp hơn 150 tỷ bao bì giấy tiệt trùng cho 170 quốc gia. Tại Việt Nam, loại bao bì này được ứng dụng rộng rãi từ năm 1994.
Cấu tạo và chức năng hoàn hảo
Bao bì giấy tiệt trùng có cấu tạo đặc biệt, bao gồm 6 lớp trong đó giấy chiếm 75% và nhôm-nhựa chiếm 25%.
Theo Thạc sĩ Trần Lan Phiên - chuyên gia công nghệ từ Tetra Pak Việt Nam, mỗi lớp của bao bì giấy có những chức năng riêng. Cụ thể: (1) Lớp nhựa Polyethylene (PE) ngoài cùng có tác dụng chống ẩm; (2) Lớp giấy tiếp theo giúp tạo độ cứng, định hình sản phẩm; (3) Lớp nhựa PE kế tiếp giúp kết dính giấy và nhôm; (4) Lớp phôi nhôm có tác dụng ngăn cản các tác động từ bên ngoài, bảo vệ hương thơm, mùi vị của sản phẩm; (5) Lớp nhựa PE kế tiếp giúp liên kết nhôm và nhựa; (6) Lớp nhựa PE trong cùng giúp hàn kín sản phẩm từ bên trong.
Với cấu tạo đặc biệt này, bao bì giấy tiệt trùng được ví như một bức “tường thép” kiên cố, giúp sản phẩm chống lại 100% các tác động từ môi trường như ánh sáng, độ ẩm, quá trình ôxy hóa, vi khuẩn..., vốn là nguyên nhân chính gây hỏng sản phẩm.
Đi cùng bao bì giấy tiệt trùng là công nghệ tiệt trùng UHT và công nghệ chiết rót tiệt trùng. Nhờ đó, từ khâu sản xuất đến khâu hậu sản xuất các sản phẩm tiệt trùng đều được bảo vệ khỏi vi khuẩn, nấm men, nấm mốc. Đặc biệt, chúng không cần dùng chất bảo quản mà vẫn tươi ngon trong 6 tháng. Lý do là vì việc sử dụng các chất bảo quản là nhằm ngăn vi khuẩn làm hỏng sản phẩm, nhưng với các mặt hàng tiệt trùng, vi khuẩn không thể lọt qua vỏ hộp giấy nên việc dùng chất bảo quản là không cần thiết.
Bảo quản thực phẩm - xưa và nay - Xưa: Sấy khô, ướp muối, đông đá, xông khói, lên men, dùng chất bảo quản, đóng lon/chai và hấp tiệt trùng… Các hình thức bảo quản này tuy có thể giúp sản phẩm kéo dài tuổi thọ nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như làm thay đổi mùi vị, chất lượng, thời hạn sử dụng không lâu và đặc biệt thiếu an toàn. - Nay: Với sự ra đời của bao bì giấy tiệt trùng và công nghệ tiệt trùng UHT, nhân loại đã bước một bước tiến đáng tự hào trong bảo quản các loại thực phẩm dạng lỏng giàu dinh dưỡng. Nhờ đó, thực phẩm dạng lỏng có thời hạn sử dụng lên đến 6 tháng mà không cần dùng chất bảo quản và trữ lạnh. |
MINH TRÍ