Phạt nặng hành vi trốn đóng BHXH, trả lương không đúng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

(SGGPO).- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, người sử dụng lao động chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc  đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định có thể bị phạt đến 75 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị  phạt gấp đôi cá nhân vi phạm. Cụ thể, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với các hành vi: chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động sẽ  phạt tiền với mức từ 18-20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng nếu không đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Nếu người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng. Ngoài bị xử phạt, các hành vi vi phạm trên sẽ bị buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng; người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị buộc đóng lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng.

Cũng tại Nghị định này, nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi như: trả lương không đúng hạn, trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy, trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động.. cũng sẽ bị xử phạt từ mức 5-10 triệu đồng đến 40-50 triệu đồng. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định cũng bị phạt từ 20-30 triệu đồng đến 50-75 triệu đồng. Ngoài ra, người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Nếu là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục