Phạt nghiêm khắc các hành vi gian lận, trốn thuế

Ngày 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ 2003 – 2011, dự kiến phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015, kế hoạch năm 2012; cho ý kiến về các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.
Phạt nghiêm khắc các hành vi gian lận, trốn thuế

Ngày 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ 2003 – 2011, dự kiến phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015, kế hoạch năm 2012; cho ý kiến về các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.

  • Tăng trách nhiệm của cả người thu và người nộp thuế

Qua thẩm tra sơ bộ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nội dung sửa đổi về cơ bản chỉ mới tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, chưa thể hiện rõ mục tiêu tạo công cụ vĩ mô để góp phần chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra đề nghị tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong việc nộp, khai thuế. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày là tương đối thấp, một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế. Đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành, có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng ý với quan điểm này và đưa ra phương án lấy lãi suất ngân hàng hiện hành cộng với một tỷ lệ phù hợp làm căn cứ tính mức phạt, vì nếu đưa ra mức “cứng” là 0,1%/ngày có thể sẽ lạc hậu khi lãi suất ngân hàng thay đổi.
 

Người dân kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cũng trong nội dung xử lý vi phạm về thuế, mức phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn cơ quan thẩm tra đề nghị nâng mức phạt này lên gấp đôi hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận về điều kiện xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, tại dự án luật điều kiện xóa nợ còn lỏng lẻo, cần quy định tiêu chí, điều kiện để xóa nợ cụ thể hơn trong luật này. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Ông Hiện yêu cầu xác định rõ cấp có thẩm quyền xóa nợ và số nợ tối đa cấp đó được quyết định xóa. Khái niệm “rủi ro” cũng cần định nghĩa rõ ràng trong luật để tránh lạm quyền…

Về hiệu lực thi hành của luật (dự kiến là ngày 1-1-2014), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng để như vậy là quá lâu, mất đi phần nào ý nghĩa tạo thuận lợi cho hoạt động thu - nộp thuế trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật về việc giữ quan điểm cân bằng khi nhìn nhận về đối tượng nộp thuế và thu thuế. “Phạt phải nghiêm, nhưng phải thiết kế nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có xem xét những tình huống rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

  • Tìm “điểm dừng kỹ thuật” hợp lý

Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo về tình hình đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ  2003 – 2011, dự kiến phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ  giai đoạn 2012 – 2015 và kế hoạch năm 2012.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tổng hợp nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ  2012 – 2015 của các địa phương (tính cả yếu tố trượt giá trong 4 năm tới) sẽ lên tới trên 500.000 tỷ đồng, gấp khoảng 2,8 lần so với khả năng cân đối. Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, Chính phủ đã đề xuất một số nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ  2012 – 2015 và năm 2015.

Cơ bản nhất trí với những nguyên tắc này, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặc biệt lưu ý “điểm dừng kỹ thuật hợp lý” đối với các dự án, công trình không được triển khai thực hiện, đồng thời giao lại cho các bộ ngành, địa phương tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai hoàn thành dự án.

“Về lâu dài, không nên thực hiện chương trình trái phiếu Chính phủ  như hiện nay. Trường hợp phát sinh công trình, dự án theo Nghị quyết Trung ương 4 thì xin phép Quốc hội cho phát hành công trái, trái phiếu công trình đối với từng dự án”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các bộ quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia đã làm chậm tiến độ phê duyệt. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Chủ tịch Quốc hội đưa ra phương án: đối với 12 chương trình đã có sự rà soát của Bộ KH-ĐT thì tạm thời chấp nhận phương án đề xuất của Chính phủ cho năm 2012. Những chương trình còn lại sẽ không phân bổ cho đến khi có báo cáo đầy đủ đúng quy định của pháp luật, chậm nhất là vào tháng 5 tới.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục