Ngày 14-10 (giờ Việt Nam), 5 ứng cử viên của đảng Dân chủ đã bắt đầu cuộc tranh luận đầu tiên được phát trực tiếp trên sóng truyền hình trong cuộc đua để trở thành đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Đây là cơ hội quan trọng để các ứng cử viên trình bày cương lĩnh tranh cử của mình về các vấn đề nội tại của nước Mỹ và thế giới trong nỗ lực lôi kéo sự chú ý và ủng hộ của cử tri khi còn chưa đầy 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng này. Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - hai ứng cử viên đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất của đảng Dân chủ, đã trở thành tâm điểm tại cuộc tranh luận kéo dài hơn 2 giờ khi liên tục trình bày những quan điểm trái chiều về một loạt chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.
Về vấn đề kiểm soát súng đạn, bà Clinton kêu gọi siết chặt những quy định hiện nay và chống lại Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), trong khi ông Sanders cho rằng để giải quyết vấn đề này, Mỹ cần học hỏi Đan Mạch để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần vì người tâm thần là nguyên nhân dẫn tới bạo lực, không phải do súng. Tuy nhiên, bà H.Clinton đã được đám đông khán giả vỗ tay tán thưởng sau khi bà cho rằng “lời khuyên” của ông Sanders chứng tỏ ông chưa chuẩn bị để quản lý một siêu cường khi mỗi ngày có đến 90 người Mỹ chết vì súng đạn, đồng thời nhắc lại việc năm 2005, ông Sanders bỏ phiếu ủng hộ trao cho các nhà sản xuất súng sự miễn trừ ở mức độ nhất định trước luật pháp, tránh được các vụ kiện quy trách nhiệm.
Về chính sách đối ngoại, bà H.Clinton thể hiện những quan điểm cứng rắn hơn so với ông Sanders (và cả các ứng cử viên còn lại) khi kêu gọi hành động cương quyết hơn nhằm giải quyết cuộc nội chiến ở Syria và bảo vệ quan điểm ủng hộ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2002. Trong khi đó, ông Sanders gọi cuộc chiến ở Iraq là “sai lầm tồi tệ nhất về chính sách đối ngoại trong lịch sử nước Mỹ”. Bà H.Clinton phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì cho rằng TPP sẽ không giúp tăng thu nhập cho người lao động Mỹ.
Bất ngờ nhất trong cuộc tranh luận là, liên quan tới vụ bê bối sử dụng tài khoản thư điện tử (email) cá nhân để xử lý công việc khi còn là Ngoại trưởng Mỹ của bà Clinton, ông Sanders đã ủng hộ bà khi ông kêu gọi nước Mỹ tập trung vào những vấn đề cốt lõi thay vì xoáy sâu vào scandal email của bà Clinton. Phát ngôn mang tính “bênh vực” của ông Sanders đã nhận được lời cảm ơn và cái bắt tay của bà Clinton, cũng như tràng pháo tay tán dương của khán giả.
Nhưng theo giới phân tích, kể cả khi không nhận được “món quà bất ngờ” từ đối thủ Sanders, bà Clinton cũng có thể giành được lợi thế. Theo New York Times, cuộc đối đầu trực diện gần như đã giúp bà Clinton thực hiện được mục tiêu tái lập niềm tin của đảng Dân chủ sau vụ bê bối email.
Theo kết quả thăm dò dư luận riêng rẽ mới nhất của Fox News và CNN, bà Clinton đến nay vẫn giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất gần 50%, tiếp sau là Thượng nghị sĩ Sanders (từ 25% - 32%) và đứng thứ ba là Phó Tổng thống Joe Biden 17%. Ông Biden không tham gia cuộc tranh luận lần này song vẫn để ngỏ khả năng sẽ chạy đua vào Nhà Trắng.
HẠNH CHI