Phát triển bảo tồn Võ cổ truyền Việt Nam

Đề án bảo tồn, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 đã được trình bày trong hội thảo tại Tổng cục TDTT sáng 28-5. Chương trình thực hiện chia 2 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 từ 2013 tới 2016 có nhiệm vụ khảo sát, sưu tầm, bảo tồn các võ miếu, các hiện vật về võ cổ truyền đồng thời xây dựng kế hoạch trùng tu, duy tu, sửa chữa 1 võ miếu và 3 -5 lò võ; đạt mục tiêu có 30 Hội, Liên đoàn võ cổ truyền cấp tỉnh, thành; đào tạo các HLV, HDV đáp ứng yêu cầu giảng dạy truyền bá Võ cổ truyền trong nước và quốc tế.

Giai đoạn 2 từ 2017 tới 2020 hướng đến 100% tỉnh, thành trong cả nước có người tập luyện võ cổ truyền; xây dựng kế hoạch trùng tu, duy tu, sửa chữa 3 - 5 lò võ; mục tiêu có 40 Hội, Liên đoàn võ cổ truyền cấp tỉnh, thành; nghiên cứu xây dựng các bài tập đưa việc giảng dạy võ cổ truyền vào các trường đào tạo chuyên ngành TDTT và chương trình học ngoại khoá của các trường học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng đến có 20 Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại các nước trên thế giới và có 35 nước trên thế giới có người tập luyện thường xuyên võ cổ truyền; xây dựng hệ thống thi đấu giải vô địch thế giới, châu Á, châu Âu.

Hiện tại cả nước có 24 tổ chức Hội, Liên đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh, thành phố và trên 60 chi hội với trên 700 võ đường, CLB của hơn 100 võ phái đang hoạt động, thu hút khoảng 60 ngàn võ sinh tham gia tập luyện. Về quốc tế, võ cổ truyền Việt Nam đã có mặt ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhấn mạnh ở Đề án phải nêu bật vai trò của Võ cổ truyền Việt Nam cũng như nêu rõ sự phối kết hợp giữa cấp quản lý nhà nước với các võ đường, võ phái. Lãnh đạo Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) yêu cầu các bên sớm hoàn thiện chương trình để trình Đề án được Bộ VH-TT&DL phê duyệt.

MINH CHIẾN

Tin cùng chuyên mục