Phát triển bền vững công nghiệp vi mạch

Đề án “Ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng” vừa được Sở KH-CN TPHCM và Ban quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM công bố tiếp tục cho thấy TPHCM quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp vi mạch. Hơn nữa nội dung của đề án này hướng đến sự phát triển bền vững của nền công nghiệp vi mạch thành phố trước sự cạnh tranh của thị trường thế giới đối với sản phẩm công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng…
Phát triển bền vững công nghiệp vi mạch

Đề án “Ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng” vừa được Sở KH-CN TPHCM và Ban quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM công bố tiếp tục cho thấy TPHCM quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp vi mạch. Hơn nữa nội dung của đề án này hướng đến sự phát triển bền vững của nền công nghiệp vi mạch thành phố trước sự cạnh tranh của thị trường thế giới đối với sản phẩm công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng…

Chip ADC 24-bit do ICDREC thiết kế, được ứng dụng trong các thiết bị đo lường

Hướng đến 25 doanh nghiệp vi mạch

Ban quản lý Khu CNC TPHCM được giao chủ trì của chương trình và phối hợp cùng các đơn vị: Đại học Quốc gia TPHCM, các sở - ngành, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, các trung tâm ươm tạo trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng thực hiện đề án.

Theo TS Dương Minh Tâm, Phó trưởng Ban quản lý Khu CNC TPHCM, cũng là chủ nhiệm đề án này, nhấn mạnh: “Đề án Ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng là cơ sở hỗ trợ quan trọng trong xây dựng nền công nghiệp vi mạch của TP HCM. Đề án hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới liên kết các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao về quản lý, chuyên môn kĩ thuật, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch bán dẫn và hệ thống nhúng; ươm tạo 25 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng trong giai đoạn 2015 - 2020”.

Các dự án khi tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ thuật, kinh doanh, sở hữu trí tuệ và tài trợ kinh phí hoàn thiện sản phẩm mẫu, văn phòng làm việc, hỗ trợ các thiết bị để kiểm tra, hoàn thiện sản phẩm, quảng bá… để phát triển các sản phẩm thương mại hóa thành công. Ngoài ra, chương trình này cũng tính đến kế hoạch đào tạo 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực CNC, đào tạo 500 cán bộ chủ chốt. Mục tiêu cuối cùng của chương trình là hướng đến sản phẩm thương mại phục vụ nhu cầu cụ thể trong nước.

Như vậy, nằm trong Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020, với 7 đề án- dự án đồng bộ gồm: Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Đề án phát triển thị trường vi mạch; Chương trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch; Đề án nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch và cuối cùng là Dự án xây dựng nhà thiết kế, đến nay, TPHCM đã thực hiện 6/7 đề án - dự án trong Chương trình phát triển công nghệ vi mạch TPHCM. 

Tận dụng lợi thế

TS Dương Minh Tâm cho biết, đầu tư cho một nhà máy lớn (Mega Fab) trong ngành vi mạch và hệ thống nhúng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn (khoảng 5 tỷ USD). Tuy nhiên, để hỗ trợ các doanh nghiệp ươm tạo ngành này, Khu CNC giới thiệu mô hình các nhà xưởng siêu nhỏ (Minimal Fab) với chi phí rẻ hơn 10.000 lần mà vẫn cho kết quả. Ông Tâm cho biết thêm, khi tham gia chương trình, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ không gian làm việc, đào tạo, tư vấn kỹ thuật kinh doanh, tài trợ kinh phí hoàn thiện sản phẩm mẫu, giới thiệu quỹ đầu tư và hỗ trợ lên đến 100 triệu đồng cho một dự án... để phát triển thành các sản phẩm thương mại hóa.

Trong khi đó, Khu CNC đã có sẵn các cơ sở vật chất khá tốt để thực hiện nhiệm vụ chủ trì đề án với các nguồn lực của Vườn ươm Doanh nghiệp CNC, các phòng thí nghiệm, phòng sạch chuyên ngành chế tạo vi mạch bán dẫn, công với mối quan hệ song phương với Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Phòng Thí nghiệm công nghệ Nano, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, các trung tâm ươm tạo công nghệ khác… là lợi thế để thực hiện Đề án Ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng. 

Cũng cần thấy rằng, TPHCM tập trung cho KHCN, CNC và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao là bước đi hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh đó, chương trình đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong mảng công nghệ cao và tạo ra sản phẩm có giá trị, đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn thành phố. Cho nên ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM khẳng định, cùng với các chương trình công nghệ trọng điểm đã được Thành phố phê duyệt thì các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch và hệ thống nhúng cũng như các sản phẩm đi kèm, đã và đang phát huy tính hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Dũng, để chương trình lan tỏa hơn nữa cũng như tạo ra những tác động về kinh tế thì các hoạt động ươm tạo, phát triển sản phẩm mới cần có sự gắn kết, hợp tác với doanh nghiệp, trong đó đề cao vai trò của các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường… và ý tưởng cũng như vai trò của từ các trường đại học là hết sức cần thiết.

TẤN BA

Tin cùng chuyên mục