Khu Công nghệ cao TPHCM

Phát triển chưa tương xứng yêu cầu

Phát triển chưa tương xứng yêu cầu

Tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2005 của Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM vào ngày 9-3, ông Phạm Chánh Trực, Trưởng ban quản lý  khu CNC, phân tích rằng Việt Nam đang đứng trước “thời cơ kép”: xu thế của các nhà đầu tư khoa học CNC trên thế giới đang hướng về châu Á - Thái Bình Dương và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và đào tạo CNC đang quan tâm trở về đất nước để đầu tư hoặc tham gia hoạt động.

Phát triển chưa tương xứng yêu cầu ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã xây dựng nhà máy sản xuất ở Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Mặt khác, môi trường đầu tư nước ta ngày càng hấp dẫn với nhiều lợi thế cạnh tranh, nổi bật là chính trị ổn định, an toàn, tốc độ phát triển cao và đang chuẩn bị gia nhập WTO. Thời cơ đã đến, và đó chính là lý do đặt quyết tâm nhanh chóng hình thành và đưa vào hoạt động khu CNC TPHCM mang tầm vóc khu vực.

Qua hai năm triển khai, đến nay khu CNC TPHCM đã qua giai đoạn khởi tạo, bước vào giai đoạn định hình. Theo báo cáo của Ban quản lý khu CNC TPHCM, thì bước đầu đã nhận được những tín hiệu đầy khả quan: trong năm 2004 Ban quản lý đã tiếp xúc với hơn 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng dẫn hơn 30 nhà đầu tư lập dự án.

Đã có 7 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư là 30,5 triệu USD. Khu CNC TPHCM cũng vừa thành lập Hội đồng khoa học - công nghệ gồm 9 thành viên là các nhà khoa học và quản lý… Năm 2005 ở đây sẽ tập trung vào các công việc chính: giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích quy hoạch 913 ha; mời tư vấn nước ngoài xem xét đánh giá quy hoạch tổng thể khu CNC; hoàn thành cơ bản các dự án thành phần về đầu tư giai đoạn 1; thành lập trung tâm đào tạo và các phòng thí nghiệm; lập dự án đầu tư giai đoạn 2…

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, hiện cả nước có hai khu CNC đã được triển khai, là khu CNC Hòa Lạc và khu CNC TPHCM. Mặc dù khu CNC TPHCM được triển khai thực hiện sau khu Hòa Lạc, nhưng so ra tiến triển lại nhanh hơn. Thứ trưởng Lê Đình Tiến cũng nêu rằng hai khu CNC đầu tiên này sẽ là thí điểm để mở thêm nhiều khu CNC khác trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị nêu trên, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải đã phát biểu khen ngợi những nỗ lực của các tập thể và cá nhân trong quá trình khởi tạo khu CNC trong thời gian qua, nhưng ông cũng lưu ý rằng tiến độ thực hiện khu CNC TPHCM vẫn chưa tương xứng yêu cầu. Cụ thể là việc sử dụng vốn còn chậm và tính sẵn sàng để đáp ứng các nhà đầu tư vào khu CNC cũng còn chậm. Bước vào giai đoạn mới - giai đoạn định hình khu CNC TPHCM - đồng chí Lê Thanh Hải đặt yêu cầu: Ban quản lý khu CNC phải có ngay các giải pháp mang tính đột phá vào 5 khâu chính yếu gồm: giải phóng mặt bằng, quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và xây dựng nguồn nhân lực.

Cuối cùng đồng chí Lê Thanh Hải khẳng định: phát triển CNC và thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNC đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở TPHCM, do vậy việc hình thành và phát triển khu CNC là một yêu cầu rất cấp thiết.

KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục