Phát triển công nghiệp tại Tiền Giang - Dồi dào vùng nguyên liệu chế biến

Với diện tích đất nông nghiệp trên 182,7 nghìn héc-ta (chiếm 77,6% tổng diện tích tự nhiên hơn 248.000ha), để phát triển nông nghiệp đúng định hướng, phù hợp quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến rau quả, lương thực, thủy sản. Nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua có một vai trò rất tích cực trong việc góp phần cho công nghiệp ở tỉnh tăng trưởng đạt tốc độ bình quân 14,6%/năm và chiếm tỷ trọng 19,2% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Phát triển công nghiệp tại Tiền Giang - Dồi dào vùng nguyên liệu chế biến

Với diện tích đất nông nghiệp trên 182,7 nghìn héc-ta (chiếm 77,6% tổng diện tích tự nhiên hơn 248.000ha), để phát triển nông nghiệp đúng định hướng, phù hợp quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến rau quả, lương thực, thủy sản. Nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua có một vai trò rất tích cực trong việc góp phần cho công nghiệp ở tỉnh tăng trưởng đạt tốc độ bình quân 14,6%/năm và chiếm tỷ trọng 19,2% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Lúa sạch, gạo thơm…

Với lợi thế hàng đầu về sản xuất lương thực, sản lượng lúa thu hoạch của tỉnh trên 1,3 triệu tấn, trong đó lúa hàng hóa khoảng 500 nghìn tấn, xuất khẩu từ 200-250 nghìn tấn gạo/năm, tỉnh Tiền Giang có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Sử dụng máy gặt lúa thu hoạch tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Sử dụng máy gặt lúa thu hoạch tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Chế biến lương thực là ngành công nghiệp phát triển mạnh với hơn 1.216 cơ sở xay xát có tổng công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Hầu hết các cơ sở xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu đều được trang bị khá hiện đại và thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khu chế biến xay xát kinh doanh lúa gạo nổi tiếng là chợ Bà Đắc; ngoài ra còn có cụm công nghiệp An Thạnh (Cái Bè) chuyên ngành xay xát và Trung tâm Nông sản Phú Cường (Cai Lậy) là đầu mối tiêu thụ lúa gạo trong tỉnh và khu vực ĐBSCL, mỗi năm cung ứng cho thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng triệu tấn gạo. Góp phần tạo thế mạnh cho lĩnh vực chế biến, cung ứng lương thực, ở hai huyện trọng điểm Cái Bè và Cai Lậy đã hình thành vùng lúa đặc sản có diện tích gieo trồng hằng năm hơn 1.800 ha, đặc biệt là vùng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn GAP ở xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy) đã và đang mang lại lợi nhuận cao cho nhà nông nơi đây.

Thế mạnh từ thủy, hải sản

Bên cạnh thế mạnh nông nghiệp về trồng trọt, thì nuôi trồng, chế biến thủy hải sản cũng được xác định là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh. Tổng số tàu thuyền khai thác hải sản của tỉnh là 1.356 chiếc với sản lượng khai thác trung bình khoảng 100.000 tấn/năm.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn đẩy mạnh việc khai thác hợp lý tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở cả ba khu vực nước: mặn, lợ, ngọt nhằm tăng thu nhập, giúp nông dân những vùng đất khó nhanh chóng vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lợ và mặn hiệu quả đang được nhân rộng, cho thấy những triển vọng mới trên đường hình thành nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao: Nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm quảng canh, nuôi cá chẽm, nuôi thủy sản lồng bè trên sông Tiền, nuôi thủy sản ngọt trên chân ruộng vùng thường xuyên ngập lũ sông Cửu Long...

Vùng nuôi thủy sản nước ngọt phân bổ trên toàn bộ địa bàn các huyện phía Tây, phát triển nuôi cá tra thâm canh; nuôi cá bè tập trung trên sông Tiền thuộc TP Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy; vùng mặt nước nuôi tôm, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại thủy sản mặn, lợ lên gần 6.000 ha tập trung tại hai huyện duyên hải phía Đông là huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, là vùng nguyên liệu cung cấp nguyên liệu hàng hóa vững chắc cho các công ty doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu ở các khu công nghiệp trong tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 60 cơ sở nhỏ sản xuất chế biến thủy sản các loại như: Nước mắm, mắm, khô...và 19 doanh nghiệp có quy mô lớn với tổng công suất chế biến thủy, hải sản khoảng 159 nghìn tấn/năm.

Được biết, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần IX đề ra: Phấn đấu đến năm 2015, Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh phát triển toàn diện trong vùng ĐBSCL, tạo tiền đề đến năm 2020 trở thành tỉnh có nền kinh tế - xã hội phát triển mạnh và bền vững. Vấn đề quan trọng hàng đầu của Tiền Giang hiện nay là xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạch định chiến lược kinh tế, phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2011-2015) khoảng 110-122 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn (2006-2010) chiếm 36,2 - 39,4% GDP.

Để gắn kết giữa sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến, tỉnh Tiền Giang đã đề ra các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, các vùng có giao thông (thủy, bộ) và các công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX phát triển. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, có hàm lượng công nghệ cao; đồng thời, chú trọng các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp chế biến, công nghệ sinh học, công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp- nông thôn cùng các ngành công nghiệp bổ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL.

CƯỜNG THỊNH

Tin cùng chuyên mục